Đảm bảo an ninh năng lượng

Sau 9 tháng thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị, Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền tại xã Điền Lộc với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, đã chính thức đi vào hoạt động và sẽ phát điện với sản lượng khoảng 60 triệu kWh/năm. Sản lượng điện này gần bằng mức tiêu thụ điện hàng năm của khoảng 32.628 hộ gia đình, ước tính giảm phát thải CO2 khoảng 20.503 tấn/năm. Dự kiến đến năm 2019, nhà máy sẽ mở rộng quy mô thêm công suất 29,5 MW với diện tích 38,5 ha, đáp ứng được một phần nhu cầu tiêu thụ điện năng trong tương lai.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh (giữa, hàng đầu) tham quan Nhà máy Điện TTC Phong Điền

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Điền Lộc khẳng định, người dân rất phấn khởi khi DA điện năng lượng mặt trời được xây dựng và đi vào hoạt động. Khi DA được triển khai, chính quyền địa phương luôn phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư, có khoảng 17 nhóm hộ bị ảnh hưởng đã được đền bù tài sản trên đất là cây lâm nghiệp.

Diện tích sử dụng đất thấp

Ngoài nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, diện tích sử dụng điện năng lượng mặt trời thấp hơn thủy điện. Theo quy định tại Thông tư 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017của Bộ Công thương về phát triển dự án điện mặt trời, diện tích sử dụng đất lâu dài không quá 1,2 ha/1MWp; theo quy định tại Thông tư 43/2012/TT-BCT ngày 27/12/2012 của Bộ Công thương quy định về đầu tư thủy điện phải đảm bảo không chiếm dụng quá 10 ha đất các loại với 1 MW công suất lắp máy.

Tập đoàn TTC cho biết, Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền đi vào vận hành có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển các nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, góp phần bổ sung nguồn điện năng trên địa bản tỉnh, bảo đảm an ninh năng lượng, cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân.

Theo Sở KH&ĐT, hiện nay ngoài nhà máy điện năng lượng mặt trời của Tập đoàn TTC và Công ty CP điện Gia Lai ở xã Điền Lộc (Phong Điền) vừa khánh thành, UBND tỉnh đã cấp phép và cho phép nghiên cứu các DA như Nhà máy điện mặt trời Phong Điền II với công suất 50MW trên diện tích khoảng 61ha, do Công ty CP Đầu tư tập đoàn Sơn Thủy làm chủ đầu tư. Chủ trương cho phép các nhà đầu tư nghiên cứu, đang trình Bộ Công thương bổ sung quy hoạch các DA như: Nhà máy điện mặt trời Điền Môn (Công ty CP Tập đoàn truyền thông Thanh niên và Tập đoàn Univergy); DA điện mặt trời Phong Hòa (Công ty CP Xây dựng&Thiết bị Thái Đạt); DA điện mặt trời Phong Hiền, Quảng Thái, Quảng Lợi thuộc huyện Phong Điền và Quảng Điền (Công ty TNHH MTV Hanel); DA điện mặt trời tại Chân Mây-Lăng Cô (Công ty TNHH dịch vụ du lịch Angel 9 hợp tác với Công ty GS Engineering and Contrucsion). Ngoài ra, UBND tỉnh cũng có chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư đến đầu tư các DA điện mặt trời trên lòng hồ, tại các DA thủy điện, thủy lợi trên địa bàn.

Trong buổi làm việc với các DA xây dựng nhà máy điện mặt trời vào đầu tháng 10/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: Việc triển khai xây dựng các nhà máy điện tái tạo, hướng tới một nền công nghiệp xanh, nguồn năng lượng sạch trên địa bàn là một nhu cầu tất yếu. Thừa Thiên Huế đang xây dựng phát triển theo mô hình di sản văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện môi trường. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các DA điện mặt trời phải hoàn thiện các hạng mục như cây xanh, cảnh quan để nơi đây không chỉ đơn thuần là điểm phát điện mà phải là một điểm tham quan, du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Chính quyền địa phương phối hợp với các nhà máy điện đảm bảo an toàn, an ninh trong quá trình phát điện; đồng thời giám sát việc xử lý các chất thải nguy hại trong quá trình hoạt động của các nhà máy, hướng tới ngành công nghiệp năng lượng xanh, sạch...

Lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư

Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở KH&ĐT khẳng định, chủ trương của tỉnh là xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Việc đầu tư xây dựng các DA nhà máy điện mặt trời là phù hợp với định hướng của UBND tỉnh, tuy nhiên triển khai các DA phải phù hợp với quy hoạch.

Ngoài phạm vi vùng cát ven phá, ven biển hoang hóa không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nhưng thuận lợi cho phát triển điện mặt trời, còn có diện tích mặt nước tại các lòng hồ thủy điện, thủy lợi và vùng mặt nước thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, có thể khảo sát, đánh giá để xem xét đầu tư các nhà máy điện mặt trời.

Theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017về cơ chế khuyến khích phát triển các DA điện mặt trời tại Việt Nam; theo đó, quy hoạch phát triển điện mặt trời bao gồm quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia, quy hoạch phát triển điện mặt trời cấp tỉnh. Quy hoạch phát triển điện mặt trời làm cơ sở cho các hoạt động đầu tư phát triển điện mặt trời, được điều chỉnh phù hợp với các nghiên cứu, đánh giá tiềm năng mặt trời trong từng thời kỳ. Tuy nhiên đến nay, quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia chưa được phê duyệt, do đó sau khi quy hoạch quốc gia được phê duyệt, tỉnh sẽ tiến hành quy hoạch phát triển điện mặt trời cấp tỉnh. Việc có thu hút DA tập trung sẽ tùy vào thực tế khi đánh giá và phê duyệt quy hoạch.

Hiện tại đang có nhiều nhà đầu tư khảo sát, đăng ký nghiên cứu DA mặt trời trên địa bàn tỉnh, và một số nhà đầu tư đang đề xuất nghiên cứu, tuy nhiên đến nay chưa có quy hoạch của quốc gia, cũng như quy hoạch của tỉnh về phát triển năng lượng điện mặt trời. Các DA hiện tại đang làm thủ tục riêng rẽ, trình Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào danh mục các DA điện mặt trời để triển khai. Dự án điện mặt trời thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư. Các nhà đầu tư khi đầu tư vào lĩnh vực này sẽ được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định.

Tăng tỷ lệ điện từ năng lượng tái tạo

Phát biểu tại lễ khánh thành Nhà máy Điện TTC Phong Điền mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 hướng đến năm 2030. Trong đó, ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện; tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 7% năm 2020 và trên 10% năm 2030. Việt Nam có tiềm năng về năng lượng tái tạo rất lớn, bình quân 4 – 5 KWh/m2/năm. Tuy nhiên, hiện nay nước ta vẫn chủ yếu sử dụng các năng lượng thủy điện và hóa thạch như: than, dầu, khí hóa lỏng… Vì vậy, Chính phủ đã có chiến lược và chính sách để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, điện mặt trời.

Bài, ảnh: NGUYỄN KHÁNH - THANH HẢI