Bình phong Long Mã Trường Quốc Học - Huế

Giờ ra chơi, tôi và mấy đứa bạn thân kéo nhau ra phía đường Lê Lợi để tìm xem bình phong Long Mã. Cũng không khó lắm để tìm thấy công trình này. Nó nằm hơi chếch về mé trái của cổng chính. Thấp nhỏ, xưa cũ và khiêm tốn so với tổng thể ngôi trường (Sau này khi được đầu tư trùng tu, nhà trường gia thêm đường khung nên bức bình phong mới trông rôm rả như bây giờ). Ở ngay trung tâm bức bình phong là hình một con vật mình ngựa đầu rồng (đó cũng là bởi nghe giới thiệu trước là Long Mã nên đoán vậy, chứ lũ nhóc chúng tôi hồi ấy làm gì mà biết rành rẽ ngựa với chả rồng), được khảm sành sứ cũng đơn giản chứ không cầu kỳ tỉ mẩn như ở nội cung lăng Khải Định mà chúng tôi đã từng được thấy. Trên đầu lưng của con vật là một hàng chữ Hán được viết trên mặt vữa, nét chữ bình thường, mảnh và chân phương…Nói chung là với lũ trẻ chúng tôi hồi ấy, đó là một bức bình phong như mọi bức bình phong khác vẫn thường bắt gặp ở bất kỳ nơi đâu trên đất Huế chứ không có gì đặc biệt.

Dòng chữ Hán trên bình phong Long Mã Trường Quốc Học đề "Thành Thái bát niên thập nhất nguyệt cát nhật tạo" (Làm vào ngày tốt, tháng 11, năm Thành Thái thứ 8)

Sau này hỏi những người lớn, chúng tôi mới vỡ lẽ, đó là bức bình phong được xây dựng cách đấy cả trăm năm. Dòng chữ Hán trên đầu lưng long mã cho biết công trình này được làm vào năm Thành Thái thứ 8 (1896). Nghĩa là khi Trường Quốc Học được xây dựng thì công trình này cũng ra đời với tư cách là linh vật trấn giữ, bảo vệ cho sự thịnh vượng, trường tồn của học hiệu quan trọng đất Thần kinh. Khởi thủy, trường chỉ là những dãy nhà thấp nhỏ, cho nên bức bình phong còn lưu giữ có hình thể khiêm tốn là bởi vậy.

Bình phong Long Mã ở nhà thờ Nam Sách Quận công (phường Trường An)

Nhưng tại sao người ta chọn hình tượng long mã cho bức bình phong Quốc Học mà không phải là chữ Thọ, chữ Vạn, hay là Bát bửu, Tứ linh… như nhiều bình phong khác. Đem điều thắc mắc ấy hỏi một số người lớn thì thằng con nít là tôi lúc ấy được giải thích ậm ừ: “vì nó đẹp; vì nó linh; vì nó… mạnh nhất nên ma quỷ sợ”… Không cách nào khác, tôi phải tạm bằng lòng nhưng trong bụng thì vẫn cứ ấm ức. Sau này tìm hiểu mới biết đấy là một linh vật đến từ truyền thuyết xứ Tàu.

Truyền thuyết kể,đời Phục Hy xa xưa, trên sông Hoàng Hà bỗng nổi một trận giông lớn, nước sông dâng cao, chợt trên mặt nước xuất hiện một con vật đầu rồng mình ngựa, trên lưng có nhiều đốm đen trắng xếp theo một trật tự đặc biệt và có mang một cây bửu kiếm. Dân chúng vội cấp báo cho nhà vua biết. Vua Phục Hy đến nơi biết con vật ấy là con long mã, một loại linh thú hiếm có, ít khi xuất hiện. Vua gọi: “Nếu phải nhà ngươi đem báu vật đến dâng cho ta thì hãy lại đây.” Long mã từ từ đi vào bờ, đến trước mặt vua Phục Hy thì quì xuống. Vua Phục Hy thấy trên lưng long mã có một bức đồ gồm 55 đốm, liền ghi nhớ vị trí các đốm và gỡ lấy bửu kiếm. Xong, long mã liền trở ra và đi mất. Nước sông Hoàng Hà sụt xuống như cũ. Vua Phục Hy vẽ lại những đốm trên lưng long mã, tạo thành một bức đồ, đặt tên là Hà đồ. Vua cũng quan sát các chấm, kết hợp với sự quan sát các hiện tượng thiên nhiên và vẽ nên Bát quái đồ. Cơ sở quan trọng của thuyết âm dương.

Long Mã bằng xi măng đắp nổi ở bình phong nhà số 335 Điện Biên Phủ-Huế. Ảnh: T.Bích

Theo quan niệm Đông phương, rồng là một trong tứ linh (long, lân, quy, phượng). Rồng thường ở trên trời, biểu trưng cho những gì có tính chất cao thượng, mạnh mẽ, linh hoạt, thuộc Dương. Mã là ngựa, tuy không thuộc linh vật nhưng là loài vật rất hữu dụng, di chuyển nhanh trên mặt đất, có sức bền, có nghĩa khí, thuộc Âm. Cho nên long mã hội đủ âm dương vũ trụ, thể hiện cho sự tiến hóa của vạn vật (ngựa hóa rồng). Bởi thế, tại các đình chùa, miếu mạo, hình tượng long mã với hình mẫu mình ngựa có vẩy rồng, đầu rồng, lưng mang Bát quái, phong thái uy nghi, hùng dũng đang tiến về phía trước thường được sử dụng, nhất là trên bình phong, để vừa trang trí chốn tôn nghiêm, vừa trừ tà, khử độc.

Tại Huế, biểu tượng long mã từ lâu đã được dùng trang trí phổ biến trên các công trình kiến trúc. Không chỉ ở đình chùa, lăng miếu mà kể cả các tư gia đều thấy có sử dụng. Sang trọng, cầu kỳ thì đắp nổi và khảm sành sứ, thường thường thì chỉ đắp vôi vữa, hoặc đơn giản hơn chỉ là những nét họa thô mộc bằng bột màu, vôi nước… Nó không chỉ gắn với quan niệm và mong cầu sự an vui, phồn thịnh, mà có khi còn như những tác phẩm nghệ thuật nâng lên giá trị và vẻ đẹp của công trình kiến trúc.

Bắt đầu từ năm Nhâm Ngọ 2002, biểu tượng long mã được chọn đưa vào logo Festival Huế. Cũng cần nhắc lại, khởi đầu Ban tổ chức Festival Huế dự kiến hễ Festival rơi vào năm nào thì lấy con giáp của năm ấy đưa vào logo. Nhưng đến khi biểu tượng Long Mã được đưa vào, có lẽ thấy quá “bắt mắt” nên linh vật này đã đóng đinh luôn với logo Festival Huế cho đến bây giờ.

Thiện Giác