Quầy giới thiệu nông sản an toàn và xuất khẩu tỉnh Sơn La

Từ cao nguyên Mộc Châu

Đến Mộc Châu (Sơn La) đầu tháng 9 vừa qua cũng là lúc địa phương này đăng cai tổ chức hội nghị nông sản sạch, với 350 gian hàng, trong đó cao nguyên Mộc Châu đóng góp nông sản sạch, an toàn hơn 1/3. Ở đây mọi thứ đều được sản xuất khép kín, an toàn và sạch từ chè, rau, củ quả… cho đến trái cây như bơ, mận, đào rừng, nhãn…

Theo chân chị Nông Thị Hính, chuyên viên Văn phòng HĐND tỉnh Sơn La, tôi đến thăm trang trại, đồng thời là khu du lịch sinh thái Hồng Công ở bản Áng, xã Đồng Sang, huyện Mộc Châu với diện tích hơn 10 ha trồng bơ nếp và lan rừng. Cây bơ được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu,  mang lại giá trị kinh tế khá cao.

Cánh đồng chè của Công ty CP Vinatea Mộc Châu ngút cả tầm mắt với hơn 600 ha trồng chè và 3.500 lao động đang sản xuất trực tiếp. Mộc Châu có tổng diện tích chè 1.879 ha, sản lượng chè búp tươi trên 24.350 tấn, 10 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh chè. Chè trở thành loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế của Mộc Châu, hàng nghìn hộ dân đã có cuộc sống ổn định nhờ cây chè.

Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu sở hữu 3 trang trại chăn nuôi với quy mô tổng 3.000 con bò, số lượng bò tại các hộ dân là gần 20.000 con; khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp với sản lượng khoảng 100.000 tấn sữa tươi/năm.

Để có được những nông sản sạch hướng đến xuất khẩu, cách đây hơn 5 năm, HĐND tỉnh Sơn La ban hành Nghị quyết về Chính sách khuyến khích hỗ trợ nông dân cải tạo vườn tạp. Theo đó, có nhiều hỗ trợ để người dân phát triển sản xuất. Nhờ đó, nông dân Sơn La tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng cây đặc sản xuất khẩu và hình thành chuỗi giá trị nông sản theo hướng an toàn, sạch. Đến nay, giá trị xuất khẩu nông sản của Sơn La đạt mốc 100 triệu USD, trong đó, cao nguyên Mộc Châu đóng góp nông sản rất lớn.

Nghĩ về Cố đô Huế

Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất nông sản an toàn. Từ giữa tháng 5/2017, phường Thủy Biều, TP. Huế bắt đầu triển khai 2 dự án (DA) ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đó là DA của DN Yên Hà Hương Giang được đầu tư trên diện tích khoảng 2.000 m2 và DA do ông Trương Như Hải hợp tác với 4 hộ nông dân xây dựng trên diện tích 1.500 m2. Đây được xem là thí điểm đầu tiên về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Huế. DA gồm nhà kính rộng 1.300m2 do Công ty nhà màng Watanabe Pipe Việt Nam thiết kế và thi công, ứng dụng công nghệ tiên tiến tưới nhỏ giọt và hệ thống làm mát của Israel.

Theo ông Trương Như Hải, chủ đầu tư DA, ưu điểm của mô hình trồng trọt này là không phụ thuộc vào thời tiết do có hệ thống làm mát, tạo điều kiện canh tác cây trái vụ cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Hệ thống tưới nhỏ giọt còn có thể kiểm soát được hoàn toàn dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng nên sản phẩm an toàn, đầu ra hết sức thuận lợi.

Những năm gần đây, Thừa Thiên Huế mở rộng vùng chuyên canh sản xuất lúa hữu cơ, thông qua việc liên kết giữa DN và nông dân. Nhiều vùng trong tỉnh, nông dân sản xuất lúa không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và chỉ áp dụng kỹ thuật cao; DN thu mua lúa và hỗ trợ kỹ thuật, vốn, giống cho nông dân.

Điển hình là mô hình liên kết giữa Công ty TNHH MTV Nông sản hữu cơ Quế Lâm với HTX Nông nghiệp Phú Lương (Phú Vang) để sản xuất giống lúa hữu cơ, chất lượng cao như BT7, DT39... Hiện nay, diện tích sản xuất lúa hữu cơ ở Phú Lương là 130ha, giá sản phẩm khá cao và ổn định, trung bình từ 7.000 – 7.500 đ/kg.

Ngoài Phú Lương, ở Thừa Thiên Huế đã có khoảng 3.000 ha lúa sản xuất theo mô hình hữu cơ, chất lượng cao tập trung nhiều ở huyện Phú Vang, Quảng Điền. Các vùng sản xuất loại lúa này đều có sự liên kết giữa DN với nông dân, nhằm tạo thương hiệu gạo sạch, có giá trị cao.

Một nông sản khác cũng đã được thị trường tiêu thụ rất tốt, đó là thanh trà Thủy Biều. Hiện nay, tổng diện tích thanh trà Thủy Biều khoảng 150ha, mỗi vụ thanh trà, người dân Thủy Biều “bỏ túi” hàng trăm triệu đồng...

Với tiềm năng và thế mạnh sẵn có, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất nông sản an toàn không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là cơ hội để nông dân thoát nghèo, làm giàu một cách bền vững ngay trên chính mảnh đất của mình.

Bài, ảnh: Hoàng Trọng Bửu