Đột phá về công nghệ trong các lĩnh vực như robot, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano... làm thay đổi các quy trình tự động hóa và sản xuất trên khắp thế giới. Đây là cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam và là thách thức đối với hệ thống đào tạo nghề.

Tăng việc làm hay mất việc làm?

Theo các chuyên gia kinh tế, công nghiệp kỹ thuật số sẽ làm thay đổi bản chất của các công việc trong tương lai. Ảnh hưởng lớn nhất của cách mạng công nghiệp 4.0 không phải mất việc làm mà thay đổi về yêu cầu của công việc. Tự động hóa sẽ làm thay đổi những nội dung kỹ năng, thay đổi công nghệ dẫn đến phân cực thị trường lao động.

Ngành nghề chịu tác động nhiều nhất chính là công nhân trong các nhà máy.

Theo ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cách mạng công nghiệp 4.0 có rất nhiều ngành nghề mới nhưng cũng có rất nhiều công việc cần có nhu cầu nhân lực cao để chuyển đổi. "Thách thức lớn của Việt Nam hiện nay nếu không chuyển đổi kịp sẽ dẫn đến trình trạng đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài để làm những công việc mà người dân ở các quốc gia công nghiệp thích con người làm hơn máy móc", ông Quân cho biết thêm.

Theo thống kê, sẽ có khoảng 75% lực lượng lao động ở Việt Nam bị tác động bởi cách mạng công nghiệp 4.0. Những ngành nghề bị tác động nhiều nhất thường là những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, công nhân trong các nhà máy, nhân viên thu ngân... Bên cạnh đó, cũng có nhiều ngành nghề mới xuất hiện thu hút rất nhiều lực lượng lao động như các ngành nghề liên quan đế cơ điện tử, tự động công nghiệp, phát triển internet di động, điện toán đám mây...

Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi người lao động ngoài kỹ năng về nghề nghiệp còn phải trang bị kỹ năng xã hội, tư duy.

Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho hay việc đưa tự động hóa và tác động công nghệ mới vào trong sản xuất khiến người lao động bị đào thải nếu không đáp ứng kịp. Tình trạng này không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra ở các nước đang phát triển như Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, vẫn còn có một số ngành nghề công nghệ và robot chưa thể làm được như du lịch, nhà hàng khách sạn. Khi thế giới quan tâm từ lực lượng lao động làm việc chân tay sang một lực lượng lao động trí óc thì ngành nghề thiết kế trong các khu sản xuất, đòi hỏi tư duy sáng tạo mà robot chưa thể thay thế được sẽ là cơ hội cho Việt Nam phát triển.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong công nghiệp 4.0, việc làm vẫn tồn tại nhưng yêu cầu kỹ năng công việc luôn thay đổi, kể cả những công việc đơn giản nhất. Theo đó, người lao động cần phải có những kỹ năng để thích ứng với những yêu cầu cách mạng khoa học kỹ thuật công nghệ, những kỹ năng mà robot không thể thay thế con người như kỹ năng về tư duy nhận thức mức độ, kỹ năng cảm xúc xã hội cũng như kỹ năng tương tác với công nghệ.

Cơ hội lớn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Các trường nghề cần phải đổi mới để đáp ứng nhu cầu lao động thời đại công nghiệp 4.0.

Những yêu cầu về lao động trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra cho giáo dục nghề nghiệp rất nhiều cơ hội phát triển. Ông Lê Quân cho rằng, công nghiệp 4.0 đòi hỏi nhân lực cho giáo dục nghề nghiệp rất lớn. Bên cạnh đó, xã hội không còn chạy theo bằng cấp mà chú trọng đến tay nghề và kỹ năng đáp ứng công việc mới nhiều hơn. Việc đào tạo và đào tạo lại với một nguồn tuyển sinh rất lớn, lên đến 55 triệu lao động. Bên cạnh đó, sắp tới, các doanh nghiệp sẽ phải vào các cơ sở giáo dục này để tìm lao động.

Có thể thấy rằng, cơ hội cho các cơ sở giáo dục đào tạo là rất lớn nhưng hiện nay các điều kiện đảm bảo cho sự đổi mới, thích ứng vẫn còn hạn chế. Ngoài hạn chế về cơ sở vật chất thì đội ngũ giảng dạy đáp ứng nhu cầu mới cũng là một rào cản lớn. Với sức ỳ của nhiều năm đào tạo theo hướng cung với những chương trình đào tạo cứng và phương pháp đào tạo lạc hậu là lực cản đối với sự đổi mới này.

Ông Trương Anh Dũng cho rằng, để chuẩn bị lực lượng lao động cho công nghiệp 4.0 phải nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, các cơ sở này phải thiết kế lại chương trình học, xây dựng tiêu chuẩn đầu ra, các ngành nghề có liên quan thì phải chủ động đưa kỹ năng cách mạng công nghiệp 4.0 vào trong đào tạo; đưa tiêu chí đánh giá ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng 4.0 vào trong giảng dạy đối với đội ngũ và nhà giáo. "Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình chỉ đào tạo những gì thị trường cần và hướng tới chỉ đào tạo những gì thị trường sẽ cần", ông Dũng chia sẻ thêm.

Còn theo Thứ trưởng Lê Quân, không được phép tư duy những trường nghề là sân dưới hay là nơi chỉ đào tạo trình độ bậc thấp. Giáo dục nghề nghiệp là tập trung phát triển kỹ năng cho người lao động, đáp ứng được yêu cầu trong thời đại mới. Trên thế giới, giáo dục nghề nghiệp luôn chiếm 40 - 60%, thậm chí có những quốc gia phân luồng phân khúc giáo dục nghề nghiệp 80%, đại học chỉ đào tạo ra những tinh hoa. Một trường nghề không thể ngồi nghĩ phải làm hay không làm gì mà phải thiết kế được một mô hình tổng thể và phải có mô hình, phương thức thông minh thì mới tạo được cạnh tranh.

Theo ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (Đồng Nai), nền công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu mới về nguồn nhân lực, các yêu cầu mới dẫn đến nhu cầu phải điểu chỉnh trình độ chuyên môn, năng lực của người lao động cho phù hợp. Chính vì vậy, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo Báo Tin tức