Đại tá Lâm Quang Minh, Trưởng Ban Liên lạc Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế tặng sách báo về trường cho Thư viện Tổng hợp
Trường Thanh niên tiền tuyến Huế gắn liền với tên tuổi hai nhà trí thức lớn, hai người đồng sáng lập trường là Luật sư Phan Anh và Giáo sư Tạ Quang Bửu. Trường khai giảng ngày 2/7/1945, đào tạo được một khóa học và chỉ kéo dài trong 2 tháng với 43 học viên và 4 giáo viên.
Ra đời và trưởng thành trong bão táp cách mạng, những học viên của trường sớm ý thức được tinh thần dân tộc, giác ngộ theo cách mạng. Họ đã trở thành một trong những lực lượng nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ trong những ngày tháng lịch sử của Cách mạng tháng Tám. Nhiều học viên của trường sau này đã trở thành tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam, góp phần tích cực vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Sau 73 năm, số học viên ngày ấy chỉ còn 4 người, tuổi đều đã cao, sức yếu. Chỉ còn đại tá Lâm Quang Minh, Trưởng Ban Liên lạc Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế đến dự lễ kỷ niệm.
* Dịp này, cuốn sách hồi ức lịch sử “Tướng Cao Văn Khánh” vừa được NXB Tri thức ấn hành năm 2017 cũng được giới thiệu đến độc giả.
PGS. TS. Cao Bảo Vân giới thiệu cuốn hồi ức lịch sử “Tướng Cao Văn Khánh”
Hồi ức lịch sử “Tướng Cao Văn Khánh” do PGS. TS. Cao Bảo Vân (sinh năm 1962) viết về cuộc đời và sự nghiệp của cha mình – Trung tướng Cao Văn Khánh, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trung tướng Cao Văn Khánh sinh năm 1917 tại Huế, trong một gia đình quý tộc trí thức của triều Nguyễn, ông từng là học viên Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế.
Cuốn sách dày 800 trang, gồm 40 chương, chia làm 2 phần: Trước cách mạng và Kháng chiến chống Pháp, đám cưới trong hầm De Castries. Bà Bảo Vân đã dành 10 năm để thu thập tài liệu hoàn thành cuốn sách này.
Tin, ảnh: Minh Hiền