Tất nhiên để Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, bên cạnh niềm vui, sự phấn khởi còn có cả sự lo lắng. Giải toả sự lo lắng ấy phải bắt đầu được thể hiện bằng các chương trình hành động của từng tổ chức cơ sở Đảng từ các hoạt động chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh. Vấn đề cực kỳ quan trọng hiện nay là phải nhận thức lại về Huế. Cơ sở là Kết luận 48 của Bộ Chính trị và các văn bản có ý nghĩa chiến lược này, động viên tình cảm, trí tuệ của cán bộ đảng viên, nhân dân vào công cuộc xây dựng và phát triển Huế.
Cần quan tâm đến thiết kế đô thị khu đặc trưng dọc hai bờ sông Hương. Ảnh: HP
Đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương phải có lộ trình và bước đi phù hợp. Lộ trình đó phải trên cơ sở đánh giá thực trạng đô thị hiện nay, nghiên cứu không gian Huế trong bối cảnh mới, xác định rõ ngoài Huế đâu là đô thị vệ tinh mang tính trung tâm, các giải pháp và nguồn lực. Thành phố mới là một đô thị có rừng, có biển, có đồng bằng, có đầm phá, có cảng biển, có sân bay quốc tế, có cửa khẩu… Thành phố phải phát triển theo hướng hài hoà và mũi nhọn phát triển là văn hoá, du lịch. Trên cơ sở này, đô thị Huế phát triển bền vững, cái sau không dẫm đạp cái trước, đô thị không nham nhở trong phát triển; việc làm xanh, sạch, bảo vệ môi trường phải ưu tiên trước hết. Có vậy, Huế mới là trung tâm tạo sự lan toả cho sự phát triển các đô thị xung quanh
Ngay với thành phố hiện nay, cũng phải nhận thức lại. Không gian đô thị cũng cần được tính toán lại. Muốn sạch đẹp, cần “ổn định đô thị”. Trước hết là ổn định khu vực nội thành. Những năm qua, thành phố di dời hàng trăm cơ sở sản xuất, hàng ngàn hộ dân khỏi thượng thành, hộ thành hào, Ngự Hà, cư dân sống trong Đại nội. Thế nhưng, số dân ở khu vực này vẫn không giảm, thậm chí còn tăng thêm. Vấn đề đặt ra là cần có những hành động táo bạo hơn nữa; nên chăng, cần tiếp tục di dời những cơ quan đơn vị, kể cả trường học không còn hợp lý ra khỏi nội thành. Chỉ ở 4 phường nội thành có đến 3 trường đại học, 3 trường trung học phổ thông... thì làm sao mà giảm dân được? Huế có điều kiện để xây dựng một đô thị đại học, thế nhưng việc triển khai vẫn còn chậm chạp, dùng dằng và thiếu dứt khoát, đây là điều cần tính toán và soát xét lại. Không riêng nội thành, cư dân sống dọc 2 bờ sông Hương cũng cần ổn định. Mặt khác, những khu đặc trưng của Huế dọc 2 bờ sông Hương như Thuỷ Xuân, Thuỷ Biều, Kim Long... trong phát triển ngoài quy hoạch cần thiết nên có thiết kế đô thị.
Đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư mạnh mẽ. Thế nhưng, để thành phố đẹp hơn, lung linh hơn đôi lúc không cần đầu tư nhiều. Đây là điều các tổ chức cơ sở Đảng, các địa phương hiện nay nên hướng tới. Có lẽ, trong chương trình hành động chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh cần được đề cập mạnh mẽ. Thí dụ như việc xoá các quảng cáo nham nhở trên đường phố; trồng cỏ dọc các bờ sông nơi mới giải toả, các di tích trùng tu xong cần tính toán phát huy hiệu quả… Hay việc giải toả Thượng thành, các cửa thành, nên biến đây thành tuyến đường đi dạo, sẽ hay hơn. Giải toả xong để người dân tự phát bán cà phê, quán nhậu, để cỏ mọc hoang phế thì rõ ràng không thể chấp nhận được. Trả lại cho di tích nhưng biến nó thành nhà kho, quán cà phê, quán nhậu thì càng khó chấp nhận hơn.
Thừa Thiên Huế đang đứng trước cơ hội lịch sử. Tạo cơ hội và nắm bắt cơ hội là nỗ lực không chỉ riêng ai. Quyết tâm của chúng ta là hành động đúng đắn, quyết liệt để cơ hội không bị tuột mất.
Hải Lê