Biên chế nhạc khí trong dàn Nhã nhạc thời Nguyễn

Nghệ nhân Nguyễn Văn Sính đang giới thiệu một chiếc phèng la cổ thường được sử dụng trong dàn nhạc cung đình triều Nguyễn

Dàn Nhã nhạc thời Nguyễn với nhiều cơ chế khác nhau đã được mô tả qua một số tư liệu. Biên chế của dàn Nhã nhạc bao gồm: 1 trống mảnh, 1 đàn tỳ bà, 1 đàn nguyệt, 1 đàn 2 dây, 2 địch, 1 nhị, 1 tam âm, 2 sênh tiền. Vào những năm 1890, lễ Tế Giao được triều đình nhà Nguyễn định lại, cứ 3 năm tổ chức + một lần thay vì 1 hoặc 2 năm như trước đây. Trong lễ có sự hiện diện của 2 dàn nhạc Nhã nhạc: ở Viên đàn có: 1 trống cái, 2 trống con, 2 tiểu bồng, 1 yêu cổ, 2 đàn nguyệt, 2 đàn tam, 2 đàn tỳ bà, 2 đàn hồ, 2 đàn nhị, 2 ống sáo, 1 sênh tiền, 1 Tam âm; và một cùng với đám rước có: Đàn nguyệt, sáo, đàn nhị, đàn hồ, phách một và sênh tiền.

 
Ngoài một số các dàn nhạc nêu trên, có một số bộ phận nhạc lễ khác cũng có thành phần tương tự nhưng có tên gọi riêng. Thực chất đây vẫn là các dàn Nhã nhạc, ví dụ như: Dàn nhạc Thiều nhà Nguyễn gồm: Trống lớn hay trống cái, Trống con, tiểu bồng, yêu cổ, đàn tỳ bà, đàn tam, đàn nguyệt, đàn hồ, nhị, sáo, kèn, sênh tiền, tam âm. Hay dàn nhạc Huyền gồm: 1 kiến cổ (cách) tức trống lớn, 1 tiểu cổ (cách) tức trống nhỏ, 1 bác phụ hay bác phó (cách) tức cáo phụ, 1 chúc (mộc), 1 ngữ (mộc), 1 khánh lớn - đặc khánh (thạch), 12 khánh nhỏ - biên khánh (thạch), 1 chuông to - bác chung (kim), 12 chuông nhỏ - biên chung (kim), 2 đàn cầm (ty), 2 đàn sắt (ty), 2 bài tiêu (một loại khèn trúc được ghép bởi hai tiêu lớn), 2 ống tiêu (trúc) tức 2 tiêu nhỏ, 2 ống địch (trúc), 2 trì - 1 loại sáo trúc, 8 lỗ (trúc), 2 sênh (biều), 2 huân - viên (thổ), 2 phách bản. (1)
 
Sau khi chế độ quân chủ cáo chung, những loại nhạc khí dùng cho các dàn Nhã nhạc cung đình cũng bị hư hại. Việc khôi phục lại những nhạc khí này là điều không hề đơn giản, bởi chất liệu cũng như cấu tạo của từng loại nhạc khí là hoàn toàn khác nhau. Nghệ nhân Trương Hữu Hòa cho biết: Người ta chế tác đàn tỳ bà bằng gỗ ngô đồng. Cần đàn và thùng đàn liền nhau có dáng như hình quả lê bổ đôi. Mặt đàn bằng gỗ nhẹ, xốp. Phía mặt cuối thân đàn có một bộ phận để mắc dây gọi là ngựa đàn. Khi chơi đàn, nghệ nhân gẩy bằng miếng đồi mồi hoặc miếng nhựa. Tuy nhiên, để làm ra một cây đàn có âm thanh hay thì trình độ “thẩm âm” của người thợ là rất quan trọng.
 
Hay cây “kèn lỡ” dùng trong dàn Đại nhạc có các bộ phận: dăm kèn, giọng kèn, trắm kèn, loa kèn... Mỗi cái được chế tác bằng một chất liệu riêng, sau khi hoàn thành, ráp nối lại với nhau sẽ tạo nên một cây kèn hoàn chỉnh. Những cây kèn hay không chỉ dựa vào sự phát ra âm thanh, mà nó còn có nhiều yếu tố, trong đó trang trí cũng là yếu tố rất quan trọng. Nghệ nhân Phan Thị cho biết: xung quanh giọng kèn có gắn 5 cái xương, mặc dù chỉ dùng dắt các hom kèn dự phòng và không hề ảnh hưởng đến chất lượng của âm thanh, tuy vậy 5 cái xương này lại có ý nghĩa khác, nó tượng trưng cho “Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín”. Tất cả đều muốn nói đến đạo đức của người làm nghề nhạc. 
 
Những điều trăn trở
 
Hiện nay, ở Huế vẫn còn rải rác những “xưởng” làm nhạc khí, và chủ nhân của những “xưởng” nhạc khí này đều là những người sinh ra trong các gia đình có nhiều đời làm nhạc khí hoặc những người làm nghề mà ông cố, ông nội của dòng họ xuất thân ban đầu là những nhạc công cung đình của triều Nguyễn. Từ đời này sang đời khác, họ âm thầm ôm lấy nghiệp tổ để lại, cũng có người tìm cho mình một hướng rẽ khác, nhưng chung qui lại trong lòng họ vẫn còn đó nỗi day dứt trăn trở, muốn tìm ra lối thoát cho ngành nghề mà họ đang là người kế tục.
 
Trong quá trình tham gia dự án: “Bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc - Nhạc cung đình Việt Nam” chúng tôi có dịp tìm hiểu từng loại nhạc khí thông qua các cuộc gặp gỡ những nghệ nhân làm nhạc khí ở Huế như: Nghệ nhân Trương Hữu Hòa, nghệ nhân Phan Thị, nghệ nhân Nguyễn Thị Thương… Tất cả đều có tâm với nghề, họ sẵn sàng miêu tả một cách chi tiết về các bộ phận của đàn cho đến cách điều chỉnh cao độ của âm thanh bắt đầu từ những phím đàn, hay bí quyết để thùng đàn phát ra âm chuẩn bằng kinh nghiệm “thẩm âm” của người thợ... Từ lâu, trong thâm tâm của những người nghệ nhân làm nghề bây giờ không dành chỗ cho sự giấu diếm nghề nghiệp. Họ bảo rằng, xưa kia muốn học nghề thì người được truyền nghề phải là ruột rà thân thích, hoặc chí ít cũng là người trong dòng tộc, tương truyền có hai câu thơ: “Biết thời để dạ làm thinh/ chớ lộ nhân tình ai biết mặc ai”.
Trong những ngày đi sưu tầm nghiên cứu để khôi phục dàn nhạc khí thời Nguyễn, có NSƯT- Nhạc sĩ Trần Đại Dũng, sau nhiều lần trăn trở và khi có cơ hội tham gia vào dự án “Bảo tồn và Phát huy giá trị Nhã nhạc - Nhạc Cung đình Việt Nam”, anh đã bắt tay vào nghiên cứu, xây dựng Hồ sơ khoa học “Nhạc khí Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn”. Với anh, đây là cơ sở để khôi phục lại những nhạc khí cung đình triều Nguyễn đã thất truyền từ lâu. 
 
Sau khi Nhã nhạc được công nhận là “kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại”, những người làm công tác biểu diễn loại hình nghệ thuật này cũng được “lên ngôi”. Họ thi nhau trình diễn các bài bản Nhã nhạc với nhiều nhạc khí khác nhau, nhưng để hiểu về lịch sử và hành trình ra đời một loại nhạc khí Nhã nhạc mà họ đang sở hữu thì được mấy người quan tâm? Trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị của Nhã nhạc, xét trên một bình diện nào đó, chúng ta đang chú ý đến việc giữ lại, không để mất đi. Tuy nhiên, để hướng tới sự gìn giữ một cách nguyên vẹn, chúng ta cần phải “đánh thức” nghề làm nhạc khí Nhã nhạc, “đánh thức” những người thợ trở về với đam mê nghề nghiệp. Muốn vậy, các cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm cần vạch ra hướng đi cụ thể trong hành trình bảo vệ di sản, bảo vệ những gì mà người xưa đã để lại cho chúng ta...

(1). Tài liệu tham khảo: Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sử Lệ tập IV, Nxb, Thuận Hóa.

Trọng bình