Chăn nuôi mang lại thu nhập cao cho gia đình ông Lực

Trước mắt chúng tôi, khu trang trại (TT) của ông Nguyễn Lực không khác gì một khu sinh thái thu nhỏ. Đang loay hoay trồng mới diện tích nghệ xen canh với đám dưa hấu bắt đầu ra hoa, vợ chồng ông Lực tiếp chúng tôi bên gốc tre già, trước mặt là hồ cá, vườn cây, ít ai nghĩ đây từng là vùng cát bay, cát nhảy.

TT rộng hơn 3 ha, được quy hoạch từng vùng nhỏ. Hệ thống hồ cá diện tích gần 1 ha được thiết kế bao quanh khu vực chăn nuôi và trồng trọt. Theo lý giải của ông Lực, khu vực rú cát chưa được cấp nguồn nước sạch nên việc xây dựng hệ thống hồ nuôi cá dọc khu vực giúp TT chủ động nguồn nước phục vụ trồng trọt, chăn nuôi. Để đảm bảo nước tưới, ông đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi dọc khu vực trồng trọt, nhờ thế mà trong thời gian cao điểm mùa nắng nóng nhưng cây cối trong vườn vẫn xanh tốt.

"Những ngày đầu đến với vùng cát này, nhiều người ái ngại thay ông bởi nhiều đời nay chưa ai cải tạo nổi. Gia đình cũng không mấy ai đồng tình với lý do khai hoang vùng cát như dã tràng se cát”, vợ ông Lực nhớ lại.

Ông Lực kể: Lúc mới lên, vốn liếng không có, vay ngân hàng 100 triệu đồng thì ngân hàng chỉ hỗ trợ cho vay 10 triệu đồng. Thiếu vốn, tôi chỉ biết loay hoay với bài toán lấy ngắn nuôi dài, đầu tư từng bước một. Trước đây, vùng này toàn là cát trắng, lác đác vài cây bụi, nắng cháy da. Lúc ấy, tôi cũng nản lắm nhưng nghĩ “đi mãi cũng thành đường” nên vợ chồng tôi bắt tay cải tạo đất. Bước đầu khai hoang, tôi bắt tay vào trồng tràm dọc khu vực với mong muốn tạo bóng mát, một phần là giảm bớt tác động của nạn cát bay, cát nhảy. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, chúng tôi đầu tư hệ thống hồ vừa nuôi cá, vừa có nước phục vụ đời sống; sau đó mới bắt tay đầu tư cải tạo đất trồng trọt và phát triển vài trăm con gà, lợn làm giống.

Đến nay, TT của ông Nguyễn Lực đã phát triển đa dạng hóa cây, con. Khu vực trồng cây lâm nghiệp bao quanh TT. Vùng lõi ông trồng các loại cây ăn quả, hoa màu đan xen với khu vực chăn nuôi và nuôi cá. Khu vực chăn nuôi tập trung vào 3 loại vật nuôi chủ lực là gà, bò, lợn. Mỗi năm, ông xuất ra thị trường hơn 10.000 con gà thịt và 150 con lợn thịt và vài con bò thịt, doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng, lãi ròng hơn 300 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Lực chia sẻ: Khâu cải tạo đất cực kỳ quan trọng. Tất cả lượng phân thải từ chăn nuôi, tôi sử dụng bón cho cây trồng, không sử dụng các loại phân hóa học nên hiệu quả cải tạo đất rất cao. Giờ chất lượng đất cát không thua kém gì so với đất vùng nội đồng, thậm chí còn có nhiều ưu điểm nổi trội thích hợp với nhiều loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như dưa hấu, nghệ, thuốc lá… Ưu điểm của vùng cát là mạch nước ngầm ổn định. Vùng cát cao so với mực nước biển nên rất ít khi bị ngập lụt, thích hợp cho việc sản xuất nông lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

“Chỉ cần chịu khó tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt từ các lớp tập huấn, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế khác rồi vận dụng vào thực tế sản xuất. Tôi chưa bỏ lỡ buổi tập huấn nào về chăn nuôi, trồng trọt của huyện, tỉnh tổ chức. Vì tôi nghĩ ngoài kinh nghiệm mình phải có kiến thức để làm chủ snar xuất", ông lực nói.

Ông Phạm Công Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái thông tin: 20 năm về trước, Quảng Thái bao phủ bởi những triền cát trắng, lưa thưa vài gốc cây chắn cát còi cọc. Thanh niên trong vùng lớn lên tìm đường thoát ly, chưa ai từng nghĩ sẽ phát triển được trên những đồi cát mênh mông, khô cằn. Ông Lực là một trong những người đầu tiên đến lập nghiệp trên vùng cát và cũng là động lực để người dân Quảng Thái thuần hóa vùng rú cát. Tuy nhiên, hiện khu vực TT Quảng Thái vẫn chưa được cấp nước sạch, điện 3 pha, hệ thống giao thông đi lại rất khó khăn. Nếu được đầu tư tốt hạ tầng, vùng rú cát Quảng Thái sẽ là điểm nhấn trong phát triển kinh tế địa phương.

Bài, ảnh: Hoàng Loan