Trong dịp nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn soạn những bộ sách quý về văn hóa, lịch sử để tặng cho các bảo tàng, ông đã dành tặng sách về y dược cho Hòa thượng Thích Tuệ Tâm. Đây là những tài liệu Đông y được các ngự y và các bậc danh y dưới triều Nguyễn sử dụng. Ngoài các tập sách y học chính thống của Đông y Trung Quốc bằng chữ Hán và sách của các tác giả danh y Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, có nhiều bộ sách quý có từ thời Nguyễn, hoặc có từ trước đó, như: “Tính lý tiết yếu” được viết vào Hoàng triều Tự Đức năm thứ 2, “Mật phương trị liệu phụ nhân” là cổ thư của thiền phái Trúc Lâm Tự có từ thời Trần, “Tính lý đại toàn” được viết từ thời Tự Đức, “Y học nhập môn”...

Hòa thượng Thích Tuệ Tâm nghiên cứu những bộ sách quý vừa được tặng
Bộ “Tính lý đại toàn” (lý luận về y học cổ truyền) được viết từ thời Tự Đức

Trước đây, Hòa thượng Thích Tuệ Tâm đã sưu tầm một số sách của ngự y triều Nguyễn và của nhiều danh y khác. Những bộ sách này sẽ làm phong phú thêm tủ sách của Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa. Hòa thượng Thích Tuệ Tâm cho biết, trong số những bộ sách Đông y ông được tặng có nhiều cuốn rất có giá trị. Đặc biệt, bộ “Hải Thượng y tôn tâm lĩnh” là bộ sách quý của Hải Thượng Lãn Ông, được in dưới thời Tự Đức. Đây là bộ sách gối đầu giường của các thầy thuốc Đông y, tập hợp lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm chẩn trị tất cả các loại bệnh, các bài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông. Những cuốn sách mà nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn tặng cộng với số sách Hòa thượng Thích Tuệ Tâm sưu tầm được đến nay bộ “Hải Thượng y tôn tâm lĩnh” ở Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa gần như đầy đủ.

Theo Hòa thượng Thích Tuệ Tâm, những bài thuốc kinh nghiệm hầu hết có giá trị. Mỗi bộ sách có nhiều bài thuốc chữa nhiều bệnh, như: Bệnh phụ khoa, nam khoa, các bệnh tai mũi họng, các bệnh về nội tạng… Trong đó, đa số dựa vào các bài thuốc cổ truyền nhưng được gia, giảm theo kinh nghiệm của các thầy thuốc.

Được biết, Hòa thượng Thích Tuệ Tâm đã có dịp tiếp cận với một vài bài thuốc trong các tài liệu này và đã chữa trị thành công cho nhiều bệnh nhân. Hòa thượng cho biết, hiện ông đang nghiên cứu, dịch số sách này sang tiếng Việt để phổ biến cho mọi người hiểu hơn về y học cổ truyền. Trước tiên, sẽ vận dụng những bài thuốc hay vào việc khám chữa bệnh.

Trang Hiền