Sáng 21/9, UBND tỉnh phối hợp với Bộ  Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội nghị Bảo tồn và phát triển bền vững di sản thế giới ở Việt Nam: “Nhìn lại chặng đường 20 năm qua và hướng đến tương lai của di sản Huế”.


Rất nhiều lời khen ngợi và ý kiến đóng góp dành cho di sản Huế

Bà Đặng Thị Bích Liên – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Phạm Cao Phong – Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO, Vụ trưởng Vụ Văn hóa  Đối ngoại (Bộ Ngoại giao); ông Lưu Trần Tiêu – Chủ tịch Hội đồng DS Văn hóa Quốc gia Việt Nam; ông Nguyễn Văn Cao – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Ngô Hòa - UVTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện các tổ chức bảo tồn di sản của các nước Ba Lan, Nhật, Hàn Quốc, Đức và đại diện các khu di sản thế giới ở Việt Nam đã đến dự.
Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá rất cao những nỗ lực và kết quả mà Thừa Thiên Huế đạt được trong công tác bảo tồn, gìn giữ 2 di sản văn hóa được UNESCO vinh danh; đồng thời, chia sẻ thêm nhiều ý kiến tâm huyết cho Thừa Thiên Huế trong thời gian tới.
GSKH. Tô Ngọc Thanh – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phấn khởi: Nhã nhạc của Thừa Thiên Huế đang nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ từ các tổ chức quốc tế và trong nước. Đây là một trong những thuận lợi lớn so với nhiều di sản phi vật thể khác của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh. Những gì Thừa Thiên Huế đã làm được cho Nhã nhạc là một mô hình đáng quý và rất đáng học tập mà Nhà nước cần phải nhìn vào để tiếp tục giúp đỡ các di sản khác.
Trong khi đó, TS. Lê Thị Minh Lý – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & phát huy giá trị di sản văn hóa cho biết: Tôi vô cùng tự hào về di sản Huế và những gì Huế đã làm được cho di sản. Một trong những nội dung được UNESCO đánh giá cao đối với Nhã nhạc là hoạt động truyền dạy - biện pháp khó nhất trong số các biện pháp bảo vệ di sản - cho lớp nhạc công trẻ.
Đến nay, dù rằng đã có gần chục hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề cử UNESCO được ghi nhận vào các danh hiệu khác nhau, song hồ sơ đầu tiên - Nhã nhạc - là hồ sơ để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất về tính cộng đồng, vai trò của cộng đồng và việc tự xây dựng hồ sơ đề cử. Đây là tiêu chí quan trọng nhất, khó nhất và không thay đổi của mọi danh hiệu UNESCO bởi vì di sản là của cộng đồng và chỉ có thể được bảo vệ bởi cộng đồng.
Theo PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Thời gian tới, công tác bảo tồn cần đổi mới và sáng tạo để bắt kịp xu thế phát triển của nhân loại. Đó là nguyên tắc “bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn”. Trong đó, có 2 yếu tố quan trọng hàng đầu phải quan tâm: tính toàn vẹn và chân xác lịch sử - yếu tố cấu thành di sản văn hóa thế giới và bảo tồn di sản phục vụ cho phát triển. Nghĩa là là phục vụ cho nhu cầu phát triển toàn diện của con người, phải là một phần đời sống của cộng đồng dân cư nơi có di sản.
Không thể có mặt tại Hội nghị, nhưng đối với Nhã nhạc, Giáo sư Trần Văn Khê – Thành viên danh dự Hội đồng Quốc tế Âm nhạc (UNESCO) cũng gửi ý kiến tâm huyết: Từ 10 năm nay, Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO vinh danh là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại, là một danh hiệu rất lớn so với những danh hiệu sau này. Để có thể phát triển Nhã nhạc Huế cho đẹp hơn, theo tôi, cần quan tâm nhất 2 vấn đề:
Về hình thức, trang phục - điều chỉnh cho thật giống ngày xưa và dùng những vật liệu mới để màu sắc được rực rỡ hơn; cách đi ra sân khấu, trở vào hậu trường; tư thế ngồi đàn… nên sắp xếp cho được đồng bộ; nhạc khí phải được đóng lại cho đúng phong cách của nhạc khí dùng trong Nhã nhạc ngày xưa.
Về nội dung, khi tô điểm chữ nhạc bằng những cách rung, nhấn, mổ… chúng ta phải rất chính xác và khi biểu diễn phải tôn trọng những chữ “già-non” như trong cổ nhạc. Lúc đàn, không phải chỉ lo đàn cho trúng chữ, mà phải tập trung để đàn cho có “thần”. Ngoài ra, phải nghĩ đến việc phát triển bằng cách tìm trong những bài bản xưa có những bản nào cần phải xây dựng lại. Các nghệ nhân khi nắm giữ tay nghề có thể sáng tác một vài bản theo phong cách xưa mà diễn tả những tình tiết ngày nay...
Dịp này, Hội nghị cũng dành thời gian để bàn về ý tưởng và nội dung hoạt động để thành lập “CLB Các khu Di sản văn hóa và Thiên nhiên thế giới ở Việt Nam”. Đây sẽ là diễn đàn quan trọng để Ban quản lý các khu di sản có cơ hội thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam.
Đồng Văn