Xưa nay, nhà nông xứ Huế một năm hai mùa nông vụ rõ ràng. Tháng bảy, tháng tám âm lịch đón thu về cũng là lúc “rơm khô thóc khén” và bắt đầu một thời kỳ “nông nhàn”. Đó là nói chuyện ở trên đồng, còn trong cuộc sống thường nhật, như ở làng tôi Dạ Lê Thượng, một vùng ven đô thì đó vẫn là lúc vợ chồng đầu tắt mặt tối, chạy chợ, đan lát, lên rẫy, lên nương kiếm miếng ăn hằng ngày và đề phòng giáp hạt. Tất bật là thế, nhưng vẫn cái tâm thế của nhìn ngó, nghe ngóng và cả đợi chờ.
Đi vào nếp nghĩ của bao thế hệ là câu ca “Tháng bảy nhìn ra…”, hay cụ thể hơn là “Tháng bảy xem đông xem tây…”. Cái tháng bảy không cụ thể và bình thường như trong tờ lịch và “nhìn ra” là để xem mưa gió ra sao mà thích ứng. Ví như nhìn ra biển có mây cuộn thành đụn là biết sẽ có mưa lớn. Nhìn trời màu vàng biết chắc sắp có bão, nếu chuyển sang màu đỏ là có mưa lũ lớn. Quan sát lá non ở ngọn cây cỏ ống vào những ngày đầu tháng để dự đoán bão trong tháng; sẽ có bão nếu thấy lá non bị thắt lại, bao nhiêu đốt là bấy nhiêu cơn bão; đốt nằm ở đầu ngọn lá thì bão sớm, còn nằm giữa hay ở gốc thì bão xảy ra giữa tháng hoặc bão muộn vào cuối tháng. Quan sát cây cỏ năng thấy có ống nhỏ và nhiều đốt biết năm đó lụt nhỏ, còn thân ống to chắc thì y như rằng sẽ xảy ra lụt lớn. Đúng - sai chưa tỏ. Vậy nhưng, nghĩ mà giật mình, đó là kinh nghiệm, là sự đúc kết sau bao năm “nhìn” từ đời này sang đời khác ở một vùng đất luôn phải đối phó với lắm cảnh mưa to và gió lớn để rồi nhận ra, truyền lại, nhắc nhở lẫn nhau biết thế mà đề phòng, chớ chủ quan mà thọ nạn.
Cái cảm giác “chờ” mới là thiệt lạ. Bão to, lụt lớn làm thất kinh đảo điên cuộc sống, ai mà chẳng sợ. Vậy mà vẫn đợi. Đợi lụt về bởi nó mang lại phù sa, đẩy con cá con tôm về đồng về ruộng, cho bữa ăn nhà quê có thêm tý đạm tý béo hay có được mớ tép mớ cua ra chợ bán, kiếm thêm vài đồng tiêu vặt; tống tiễn bao thứ chuột bọ gây hại mùa màng là chuyện có lý. Thế nhưng có cái đợi nghe cứ như lời nguyền phải bước qua, là chuyện phải lo xong mới yên ổn và có thể nhẹ nhàng làm những công việc khác. Nhiều năm không lũ to lụt lớn lại nghĩ đến chuyện “lụt dồn bão dập” vào năm tiếp theo. Mùa cao điểm đã đến mà có có lụt bão sợ cuối năm đầu vụ lại sự chuyện “bù” đảo ngược bao công chuyện và bao điều tính toán.
Từ cái nhìn đầy lo toan và nghe ngóng đến sự chờ đợi là một cảm giác rất lạ, chỉ có lúc trời vào thu ở “Huế khi gió mùa đang chuyển” và tôi đã nghĩ đến phải là ai đó có nhiều tâm trạng, trải nghiệm và xúc cảm như Thái Kim Lan mới như bất chợt nhận ra điều có vẻ như lạ kỳ và bí hiểm kia…