Đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng ông Phan Văn Hải, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Hương Trà về công tác tại Ban Nội chính Tỉnh ủy. Ảnh: Anh Phong

Những người được bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, quản lý phải hội đủ các điều kiện bắt buộc như: bằng cấp, năng lực, phẩm chất đạo đức, sức khỏe và đã được quy hoạch. Bổ nhiệm lãnh đạo là do nhu cầu cần bổ sung người quản lý, trong đó có thể bổ nhiệm tại chỗ hoặc điều động người từ nơi khác đến. Nếu đúng quy luật khách quan thì cơ quan tổ chức cán bộ và lãnh đạo chọn bổ nhiệm người có hội đủ các tiêu chuẩn nhất trong số cán bộ đã được quy hoạch. Vậy nhưng, thực tế có trường hợp các “chỉ số” thấp hơn lại được bổ nhiệm, không phải là người có khả năng hơn, tín nhiệm cao hơn. Vậy nên trong khâu bổ nhiệm hay có câu “chờ phút chót”, “phút 89” để nói về thực trạng của công tác bổ nhiệm hiện nay. Khi xem xét bổ nhiệm, bộ phận tổ chức đưa ra cấp ủy hoặc tập thể lãnh đạo xem xét cân nhắc, có ý kiến đánh giá của tập thể, nhưng cuối cùng quyết định vẫn là người đứng đầu. Khách quan vô tư, với cái tâm trong sáng và vì cái chung thì bổ nhiệm cán bộ có năng lực, có tài, có đức là điều đáng hoan nghênh. Nhưng khi đã lồng ý đồ cá nhân, cục bộ, ê kíp, tình cảm riêng tư… thì khó có thể vô tư khi quyết định hoặc đề xuất. Nhiều trường hợp bổ nhiệm không đủ tiêu chuẩn ở các ngành, các địa phương vừa qua chủ yếu từ nâng đỡ của thủ trưởng hoặc người có ảnh hưởng chi phối trong công tác tổ chức cán bộ. Nhiều trường hợp bổ nhiệm với tiêu chí cưỡng ép đã trở thành trò cười, gây phản cảm trong dư luận và trong từng cơ quan.

Lâu nay, người ta nói nhiều đến câu chuyện về “chạy”. Dư luận xã hội phản ứng và đòi hỏi làm rõ, xử lý nghiêm túc về hiện tượng chạy chức, chạy quyền bằng mọi giá… Vậy nhưng đã có được mấy vụ được phát hiện “chạy” khi bổ nhiệm? Rất khó phát hiện vì khi xử lý đòi hỏi phải có chứng cứ rõ ràng hoặc "bắt tận tay”. Người chạy (đưa hối lộ) chạy qua trung gian, muốn được việc nên không dám tố cáo, sợ tiền mất tật mang. Tế nhị hơn nữa là sợ mất uy tín vì mang tiếng phải chạy mới được bổ nhiệm, bị thiên hạ dị nghị nên tốt nhất là “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Về phía người được chạy chắc chắn không bao giờ thừa nhận nếu không bị tố cáo (ít xảy ra), nếu chưa bị phát hiện, mặc dù ai cũng biết có người đỡ đầu, “chống lưng”. Ngoài tình cảm gia đình, riêng tư thì cũng không ít người “được chạy” tìm cách lách tiêu chuẩn, quy trình, thậm chí cả áp đặt một cách độc đoán. Tình trạng này trở thành một tệ nạn khiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh phải làm thật nghiêm để “không thể chạy", "không muốn chạy" và "không cần chạy” trở thành nguyên tắc cho công tác bổ nhiệm cán bộ.

“Bổ nhiệm người nhà hay là bổ nhiệm người tài” đang là đề tài được dư luận xã hội quan tâm. Cả nhà làm quan, cả họ làm lãnh đạo mới bị kiểm tra, phanh phui trong các ngành, địa phương vừa qua đã bộc lộ một thực tế báo động về bổ nhiệm lãnh đạo. Con em lãnh đạo được bổ nhiệm là vấn đề bình thường nếu như có thực tài, có đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Nhưng không hẳn như vậy khi họ được bổ nhiệm theo những tiêu chí cưỡng ép, còn quá non về năng lực, quá trẻ về tuổi tác, cố mà ép cho có được cái “ghế”.

Trước đây con các đồng chí lãnh đạo (kể cả lãnh đạo cao nhất) không được ưu ái bổ nhiệm, không phải vì không có tài. Lãnh đạo thời đó đã làm gương, hy sinh quyền lợi riêng vì cái chung lớn hơn của đất nước. Số con em lãnh đạo được đề bạt cán bộ cao cấp nhưng không hề có tai tiếng, họ lại có tư chất vượt trội và phát huy được năng lực của cá nhân. Bổ nhiệm con em của lãnh đạo hay cả họ làm quan không có gì xấu nếu không muốn nói là phát huy tốt truyền thống gia đình, gen di truyền. Nhưng vấn đề là ở chỗ điều này đã bị lạm dụng (lợi dụng) vị thế ô dù của người có tầm ảnh hưởng cao để nâng đỡ, cất nhắc cho người nhà, người thân một cách trắng trợn, bất chấp.

Thực trạng hiện nay ở nhiều nơi, khi bố chuẩn bị “hạ cánh” thì bằng mọi giá cố ép đề bạt cho con em của mình vào các vị trí chủ chốt, nơi có nhiều “màu mỡ”. Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm chưa hết, chưa kiểm tra đầy đủ nhưng các trường hợp bị hủy quyết định bổ nhiệm vừa qua đều chung một “kịch bản”: Ép cho “đúng quy trình”…

Bổ nhiệm cán bộ là quá trình chọn người tài. Ở đâu chọn người bổ nhiệm đúng đối tượng, minh bạch, khách quan thì đơn vị, địa phương đó vận hành tốt, trên dưới đoàn kết, phát triển. Muốn vậy, đòi hỏi cái tâm trong sáng, khách quan vì lợi ích chung của những người có trách nhiệm trong công tác cán bộ, nhất là người đứng đầu.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH