Một thời khi đất nước còn khó khăn, chiếc bánh trung thu khá xa lạ. Kinh tế phát triển trong bối cảnh hội nhập và phát triển, chiếc bánh trung thu trở thành đối tượng kinh doanh. Những năm gần đây, kinh tế gặp khó khăn, cuộc đua trong phân khúc kinh doanh bánh trung thu càng trở nên quyết liệt. Tuy nhiên, các nhà kinh doanh bánh trung thu đã biết cách tồn tại và phát triển, không ngừng đầu tư, nghiên cứu để đưa ra thị trường những sản phẩm theo tiêu chí vừa ngon, vừa lạ, lại vừa đẹp và hấp dẫn, biến trung thu trở thành mùa làm ăn lớn trong năm sau Tết Nguyên đán.
Cái tuổi đã chớm về già như tôi không còn hứng thú với những thức ăn nhiều đường, nhiều bột và lắm loại chất béo trong chiếc bánh trung thu. Vậy nhưng, tôi lại bị hấp dẫn bởi cách kinh doanh và tiếp thị của thị trường này. Đầu tiên là mẫu mã bắt mắt, phong phú đến bất ngờ theo kiểu “tiền nào của ấy”, hướng đến nhiều đối tượng tiêu dùng khác nhau trong xã hội. Xem ra, mỗi mùa trung thu đến là dịp để các thương hiệu bánh chào mừng những sản phẩm mới. Tiếp đến là cách chào bán khá đặc biệt của các hãng bánh, tạo nên một không khí và sắc màu trung thu rất ấn tượng đối với khách hàng. Các chiêu thức khuyến mại cũng được áp dụng, kiểu như “mua một tặng một” cũng khiến cho nhiều người phải mở ví.
Chiếc bánh trung thu chỉ là một phần tạo nên sắc màu của lễ hội đêm Rằm trung thu. Vậy nên, biết tận dụng thương hiệu của lễ hội văn hóa đã đi sâu vào tiềm thức và sinh hoạt của cộng đồng để kinh doanh, đưa chiếc bánh trung thu trở thành mặt hàng thu nhiều lợi nhuận và làm giàu là một thành công đáng ghi nhận của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có sự góp phần của các doanh nghiệp xứ Huế như Bảo Thạnh. Không chỉ là hình thức “ăn theo” đơn thuần mà chuyện chiếc bánh trung thu phát triển như hiện tại đã là một phương thức, là nghệ thuật kinh doanh đáng được tôn trọng và ghi nhận cho dù đây đó vẫn còn nhiều tồn tại hay khiếm khuyết theo kiểu “con sâu làm rầu nồi canh”.