Tôi lại có cảm giác thiên về sự thèm thuồng. Thanh trà là một loại trái cây ngon, thuộc vào loại đặc sản của Huế mình. Trái thanh trà tươi xanh tròn trĩnh, múi tép thanh trà mọng nước gợi nên bao cảm hứng về điều ăn sự uống. Nó lại là thứ cây trái khó tính. Bao kẻ sành ăn bảo rằng để chọn được thanh trà vừa ý không dễ. Ví như đầu mùa, thanh trà thường chưa được ngon vì tép còn khô và nhỏ. Phải đợi đến lúc trái thanh trà được tắm những cơn mưa đầu mùa thì tép mới mọng nước, vàng ươm. Lúc này ăn mới cảm nhận được hết mùi vị thơm ngon của thanh trà. Nó giòn, thoảng chút vị chua, thơm và không đắng. Gặp mưa kéo dài cũng chẳng hay ho, vị thanh trà nhạt hẳn. Người Huế có cách hay, thường mua cả chục hay vài chục thanh trà về xâu lại, có thể để ăn dần cả mấy tháng trời. Mua về, cũng đừng vội ăn mà nên để ít hôm cho “ráo”, lúc ấy thanh trà mới cho vị ngọt đậm đà. Chuyện thưởng thức thanh trà nhiều đến “cả kho”, nói mãi không hết, càng kể càng thèm.
Lựa chọn thanh trà Thủy Biều. Ảnh: HP |
Cũng vì tự hào mà bao người đã đặt câu hỏi về cây thanh trà có mặt trên đất Phú Xuân - Huế có tự bao giờ. Câu trả lời xem ra không mấy rõ ràng. Chỉ biết rằng, theo sử sách triều Nguyễn thì hơn 200 năm trước, trong nhiều của ngon vật lạ tiến cung, cùng với gạo de An Cựu, nhãn Kim Long, chè Tuần…là sự góp mặt của thanh trà Nguyệt Biều. Thanh trà là giống bưởi (còn nhiều tranh luận) nhưng là loại bưởi đặc biệt chỉ trồng được ở Huế. Nó có mùi vị không giống các loại bưởi xứ Bắc như Đoan Hùng, Phúc Trạch… Lại càng khác xa bưởi Biên Hòa hay các loại bưởi Năm Roi, da xanh nơi đồng bằng Nam Bộ. Đó là quà tặng xứ Thần kinh. Nơi vùng đất ven bờ thượng nguồn, bờ Nam là Nguyệt Biều, Lương Quán và bờ Bắc bên kia là Kim Long, Hương Hồ; hằng năm có lượng lớn phù sa của dòng Hương bồi tụ. Đất bồi và nước mát Hương Giang như ngấm vào cây trái để tạo nên dáng hình và mùi vị thanh trà.
Tôi có anh bạn thân còn trẻ quê ở Nguyệt Biều. Dưới ni Huế nhớ làng và nhớ mẹ, thỉnh thoảng lại rủ bạn bè từ Huế buổi chiều kéo nhau lên Nguyệt Biều - Lương Quán chơi. Tôi thích những con đường làng nơi đây. Nó sạch và quanh co. Buổi chiều thu bàng bạc và man mác buồn lên Bàu Hồ, nơi cao nhất và được xem là điểm ngắm của Huế, thấy thu gọn trong tầm mắt là dòng sông trong xanh như tấm lụa đào với bao làng mạc quần quanh và thấp thoáng nơi xa là kinh thành Huế cổ xưa. Và rồi, cái cảm giác đầy mơ màng kia không hề mất đi khi bước xuống từ Bàu Hồ để đi vào Nguyệt Biều, Lương Quán. Cách nay không lâu tôi hay tin một nhóm yêu Huế ở Sài Gòn có ý định tìm mua một ngôi nhà vườn ở vùng này để đầu tư phát triển du lịch. Có lẽ, họ đã bị hấp dẫn bởi câu ca: “Nguyệt Biều - Lương Quán không xa/ Cách một con hói hóa ra hai làng”.
Có một người Huế xa quê mơ ước, giá như có một ngày, hai bờ sông Hương, từ Hải Cát, Hương Hồ, Ngọc Hồ… trở thành những Nguyệt Biều, Lương Quán mới. Nghĩa là, đôi bờ sông Hương kéo dài cả hàng cây số sẽ là những vườn thanh trà nối tiếp và mùa xuân về đồng loạt mãn khai để sông Hương phô diễn “hai bờ tuyết trắng” nức thơm hương bưởi và thực sự trở thành một dòng thơm như tên gọi. Mở đầu một năm mới, người Huế nô nức rủ nhau du xuân dưới bóng rợp của những thác hoa thanh trà đổ trắng sườn đồi ngả bóng trong lòng sông xanh biếc. Một ước mơ rất Huế và thật lãng mạn. Cũng như tôi, vào buổi chiều thu nay có gió nhẹ, đi giữa những vườn thanh trà nối tiếp nhau nơi xứ vườn Nguyệt Biều, nhìn những cây thanh trà trĩu quả, vươn cành phủ rợp đường làng, lủng lẳng, đong đưa, thoang thoảng một mùi hơm thơm thanh khiết lại nghĩ đến cái tứ văn rất lạ “thanh trà gợi nhớ thu sang”. Và nói như ai đó, như chợt nhận ra mùa thu Huế mình thiệt lạ đến từ mùa thanh trà chín rộ.