Cả đến 100 năm rồi mà quy hoạch và kiến trúc của Quốc Học và Đồng Khánh vẫn là số một. Tôi đặc biệt thích cái không gian “bốn mặt tiền”, phía trước và đằng sau, bên trái và bên phải đều bao bọc bởi những con đường nên an toàn tuyệt đối, không bị dòm ngó và sân si, không bị lấn chiếm như bao ngôi trường khác. Sân trường rộng rãi và thoáng mát có bóng cây xanh rợp mát. Rồi những dãy phòng học với kiến trúc cân đối và hài hòa tới mức gần như tuyệt đối và cả màu vôi tường nữa, cũng không lẩn vào đâu được đã làm thổn thức bao tâm hồn giàu xúc cảm và hoài niệm. Đã bao lần, tôi cứ mãi tần ngần trước màu sơn của hai trường. Nó đặc trưng tới mức chỉ cần một vô ý trong chọn màu hay pha chế là có thể tạo ngay sự phản cảm, làm “nhức mắt”. Khéo cho con mắt ai đó tinh đời, cũng là màu tường sơn hồng nhưng ở Đồng Khánh có vẻ thanh nhã hơn, phù hợp với bản chất phụ nữ.
Năm học này, thằng con trai thi đậu vào Trường Hai Bà Trưng. Con bé chị tủm tỉm: “Rứa là huề. Nhà mình có bốn người, Quốc Học và Hai Bà Trưng đều nhau. Chỉ khác thiên hạ, đàn bà con gái lại là học sinh Quốc Học”. Ừ hí, tôi giật mình. Một thời Quốc Học là trường nam, còn Đồng Khánh là trường nữ. Cũng như vợ chồng tôi, đã có bao mối tình học trò tinh khôi như một tờ giấy trắng của “bên nớ” và “bên ni”. Tôi thuộc thế hệ những nam sinh đầu tiên khi hơn 30 năm trước là học sinh Trưng Trắc. Đó là cái tên đổi lại của Trường Đồng Khánh sau ngày giải phóng, để rồi sau đó là Trường Hai Bà Trưng của thằng con trai bây chừ. Bữa cơm gia đình hàng chục năm nay, bên nam Đồng Khánh đối diện cùng bên nữ Quốc Học. Ô hay!
Đặt Đồng Khánh nằm cạnh Quốc Học, hình như người xưa muốn tạo cho Huế một sự bổ sung, cân đối để cùng thi đua cho vừa lứa xứng đôi. Bên ni Quốc Học gắn liền với nhiều thế hệ học sinh ưu tú sau này trở thành những lãnh tụ kiệt xuất mà tiêu biểu là Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh, cùng các nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thì bên tê Đồng Khánh cũng không ít những tài danh. Nữ hiệu trưởng Tùng Chi được biết đến nhiều với cái tên bà Nguyễn Đình Chi hay điêu khắc gia, nữ Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Khoa học - Văn học và Nghệ thuật châu Âu - Điềm Phùng Thị - là những điển hình. Quốc Học nổi tiếng bởi truyền thống đấu tranh cách mạng thì bên tê Đồng Khánh cũng được nhắc tới với nhiều thế hệ nữ sinh đã giác ngộ và tích cực tham gia các phong trào yêu nước và cách mạng như những đêm xuống đường và “Hát cho đồng bào tôi nghe”, cùng nhân dân thành phố Huế biểu tình đòi Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam...
Đầu năm đi họp phụ huynh ở Trường Hai Bà Trưng, tôi tranh thủ chạy vội ra phía đằng sau để đi tìm lại kỷ niệm của một thời học sinh 30 năm về trước. Thấp thoáng bên tê là Quốc Học gần gũi mà huyền bí, gợi lên bao sự tò mò. Còn nữa, quá ít những thay đổi nhưng không vì thế mà Đồng Khánh xưa cũ kỹ và chật chội. Gần cả 100 năm rồi, vậy mà cùng với Quốc Học, nó vẫn ước mơ và là cái đích phấn đấu vươn tới của bao trường, bao ước mơ tuổi thơ…