Nội chỉ thích duy nhất hoa vạn thọ vì nó tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, thể hiện ý nguyện con người luôn vươn đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nội thường nhắc tới loài hoa dân dã nhưng vô cùng mạnh mẽ - hoa vạn thọ với cả tấm lòng trân trọng và cả sự hoài niệm về quá khứ: Hoa mang ý nghĩa trường tồn, mong cầu các bậc sinh thành, dưỡng dục như ông bà, cha mẹ sống lâu, tồn tại mãi trên cõi nhân thế để sum vầy cùng con, cháu.

Nội tôi đã đón 83 mùa xuân trên cõi nhân thế, trong ngần ấy thời gian đã có hơn 40 năm nội gắn kết với mấy luống hoa vạn thọ trước sân nhà. Hàng năm, cứ đến đầu tháng mười âm lịch là nội sửa soạn cuốc đất, trồng hoa, chẻ tre, rồi gánh triêng gióng đi gom phân bò, trâu ở ngoài các con đập, triền đê về chất thành đống, rồi ủ rơm mục, ướp cho hoai để bón dần mấy luống hoa vạn thọ. Do “mát tay” chăm sóc nên khóm vạn thọ nội trồng lá xanh mơn mởn, thân cây cứng cáp, ít bị sâu rầy cắn phá. Hình như nội nắm chắc đặc tính của loại hoa này là không thích phân hóa học, chỉ hợp với phân hữu cơ, phân chuồng, phân tro bếp. Khóm hoa vạn thọ trước sân là niềm vui sống tuổi già của nội và ít nhiều cũng đem lại thu nhập, có tiền lì xì cho bọn trẻ khi tết đến, xuân về.

Mấy năm nay, nội chuyển sang trồng hoa thọ giống cây thấp, nhập khẩu từ Nhật Bản, dòng cây lá nhỏ, đóa hoa lớn, có màu vàng đậm. Hoa thọ nội trồng chủ yếu là để vào chậu để bán cho người ta chưng tết, đòi hỏi thân cây phải cứng cáp, cành lá sum xuê, có nhiều lộc non, hoa nở lâu tàn. Vừa trồng hoa, vừa đúc chậu. Nội kiêm luôn công việc thợ nề, đúc chậu xi măng để sẵn chờ sang giữa tháng Chạp là cho hoa vào chậu.

Nhìn tay nội thoăn thoắt uốn uốn, tỉa tỉa chẳng khác thợ đúc khuôn, chậu thực thụ, tôi trêu: Nội học nghề đúc chậu ở mô ra mà tài rứa? Nội nhoẻn cười: Có chi khó mô cháu, chỉ sợ mình không chịu học, không chịu khó suy nghĩ, tìm tòi, động não mà thôi, chứ thiệt ra hắn dễ lắm! Ghép tim, ghép tạng để cứu mạng, người ta còn làm được, huống chi đúc chậu chỉ là chuyện nhỏ. Chậu mô vừa đúc xong nhìn chưa tròn thì đập vỡ, đến khi mô thiệt tròn trịa, nhìn ưng ý thì thôi. Nội còn đọc vanh vách lịch trình làm việc và luôn tỏ ra mình là người bận rộn.

Người ta thường bảo “Nhà vườn ăn cau sâu”, còn nội thì ngược lại. Sau thành quả lao động cật lực, miệt mài suốt mấy tháng, hàng trăm cây hoa vạn thọ đã vào chậu tươm tất, xếp thành hàng trước sân thẳng tắp, nội đi đi, lại lại nhiều vòng, rồi bỗng dưng nội tách ra một cặp đẹp nhất để dành chưng trước nhà thờ gia tiên. Nội tôi thường răn dạy con cháu: “Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng? Nếu đứa nào vô tâm, không nhớ nghĩ, tri ân nguồn cội, tiên tổ thì đứa nớ chỉ có mà… cụt đầu”.

Về thăm nội trong những ngày giáp Tết Mậu Tuất 2018, thấy nội vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh như trước, đang cần mẫn chăm sóc mấy luống hoa vạn thọ trước hiên nhà, tôi mừng thầm và cầu mong nội luôn được minh mẫn, trường thọ đến trăm tuổi như ý nghĩa của loài hoa vạn thọ kia để được sum vầy, hạnh phúc bên con, cháu.

Võ Văn Dần