Khi luận bàn vấn đề sức mạnh của tập thể, nhiều người cho rằng đó là điều tất yếu. Tuy nhiên để có nhịp làm việc tích cực trong một tập thể, tính quyết định vẫn là người đứng đầu. Tôi trăn trở mãi về ý kiến này, thăm dò khảo sát tình hình công tác ở một số cơ quan, đơn vị thấy thấm thía điều này. Và thật dễ hiểu bởi khi người đứng đầu nêu gương trong công việc thì cả bộ máy vận hành theo. Người đứng đầu làm việc có kế hoạch, chương trình cụ thể thì các phòng ban có cơ sở để vận dụng vào chức trách của phòng ban mình. Người đứng đầu biết việc luôn trăn trở chọn lọc, bố trí cán bộ đúng sở trường, sở đoản. Động thái ấy tác động rất mạnh đến hoạt động của các tổ chức bên dưới khiến công việc trôi chảy, kế hoạch đề ra đạt được kết quả khả quan. Khi người đứng đầu thể hiện tính dân chủ cao, cán bộ, nhân viên, cán bộ chủ chốt sẽ mạnh dạn tham gia ý kiến, đóng góp ý tưởng để hoàn thành nhiệm vụ một cách hoàn hảo. Người đứng đầu biết lắng nghe sẽ tập hợp được thông tin, phân loại được thông tin từ cán bộ, viên chức cấp dưới nhằm điều hành bộ máy vận hành theo hướng tích cực. Người đứng đầu gương mẫu, khách quan trong giải quyết mâu thuẫn giữa cán bộ, viên chức sẽ tạo được không khí sinh hoạt lành mạnh trong cơ quan, đơn vị, tránh tình trạng báo cáo thiếu trung thực, tệ nịnh hót xum xoe làm nhiễu hoạt động của cá nhân, phòng ban trong thực thi nhiệm vụ. Thái độ gương mẫu, khách quan của người đứng đầu có tác động răn đe từ xa đối với số cán bộ cơ hội – mầm mống của sự gây mất đoàn kết trong cơ quan.

 

Thực tế cho thấy có nhiều cán bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị thường nghe thông tin, báo cáo của một bộ phận cán bộ hay gần gũi với mình. Thiếu kiểm tra và không khách quan khi xử lý thông tin, hệ quả là tạo sự mất niềm tin trong tập thể. Cán bộ lãnh đạo như vậy thường rơi vào kiểu người ưa nịnh, ưa cấp dưới phục tùng và dị ứng với những phản biện của cán bộ cấp dưới. Hệ quả để lại là mâu thuẫn trong nội bộ cơ quan không những không được giải quyết mà ngày càng tiếp tục tích tụ thêm, tác động xấu đến tâm tư, tư tưởng của cán bộ, viên chức. Cuối cùng là tính đoàn kết thống nhất trong cơ quan rạn nứt dẫn đến mất đoàn kết trong nội bộ, nhiệm vụ chính trị khó hoàn thành.

 

Cán bộ cấp dưới năng lực kém lại thêm tính nịnh hót thường hay ca tụng người lãnh đạo cơ quan mình vô cớ, ca tụng chung chung theo kiểu Hòa đại nhân. Cán bộ cấp dưới ham quyền, ham lợi ích vật chất cũng có bệnh nịnh hót cấp trên. Họ tranh thủ gần gũi báo cáo tình hình, nhận xét cán bộ, nhân viên với lãnh đạo theo thiển ý cá nhân, thậm chí lồng vào những ý kiến đánh giá xấu về đồng chí, đồng nghiệp của mình bằng việc thêm màu mè làm cho sự việc bé xé ra to.

 

Không tỉnh táo phân tích, tư duy với những thông tin “xầm xì” ấy, người đứng đầu dễ mắc sai phạm trong giải quyết công việc và đánh giá cán bộ cấp dưới. Trường hợp này, người đứng đầu dễ sai phạm trong điều hành cơ quan, đơn vị do “quên” sử dụng tính công khai, minh bạch trong điều hành công việc.

 

Một đồng nghiệp của tôi tâm sự rằng, anh ta chịu nhiều tai ương khi thủ trưởng cơ quan hay tin lời của một số cán bộ, viên chức hay ton hót đánh giá anh ta lên thủ trưởng. Chuyện chẳng có gì to tát, anh ta là người hay có ý kiến phản biện, mạnh dạn trong tự phê bình và phê bình ở các cuộc họp. Tất nhiên nhiều người không thích anh ta.

 

Rồi cơ quan anh có thủ trưởng mới luân chuyển về. Người đứng đầu mới là cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh. Điều hành cơ quan có kế hoạch, có tư duy mới, coi trọng dân chủ, công khai minh bạch trong công việc. Ông ta dám làm, dám chịu trách nhiệm, nghe nhiều chiều và kết luận khách quan trong từng sự việc. Sau một thời gian, cơ quan mạnh lên. Số cán bộ nịnh bợ, ton hót không còn điều kiện “bám” cấp trên để “tâm sự về đêm”. Anh, người chịu nhiều tai ương ấy phấn chấn với công việc của mình khi được người đứng đầu đánh giá đúng, sử dụng đúng năng lực, đặt đúng công việc. Không chỉ có anh mà một số cán bộ khác buộc vào thế phải tự xét lại mình, thực thi nhiệm vụ trách nhiệm hơn, sửa dần thói nịnh bợ, trở thành cán bộ tốt. Tất nhiên vẫn còn số ít cán bộ chưa thấy hết những tồn tại của mình, họ co cụm làm việc trong trạng thái “bậc trung”. Thẹn với bản thân hay tính bảo thủ cố hữu đã ngăn bước họ lại?

 

Tập thể cơ quan anh ta đã thấy. Rất may người đứng đầu luôn định hướng cho tập thể là giúp đỡ những cán bộ ấy sửa chữa nhược điểm để có hướng hoàn thiện nhân cách của người cán bộ, đảng viên.

Chiến Hữu - Văn Thành