Thưa ông, thời gian qua, phong trào xây dựng GĐVH trên địa bàn tỉnh thành công nhất ở điểm nào?

Từ khi phát động đến nay, phong trào xây dựng GĐVH đã được các sở, ban ngành trong tỉnh phối hợp tuyên truyền, phổ biến sâu rộng. Hiệu quả của phong trào cho thấy, đời sống xã hội ở mọi miền dân cư trên địa bàn tỉnh đã có những khởi sắc. Tình làng nghĩa xóm được thắt chặt. Mối quan hệ đoàn kết trong gia đình và cộng đồng được củng cố. Thừa Thiên Huế là vùng đất thường xuyên chịu hậu quả nặng nề do bão lụt, mỗi lúc như vậy, tinh thần nhường cơm xẻ áo của cộng đồng dân cư đã được phát huy kịp thời. Các gia đình trong phường biết chia sẻ kinh nghiệm, cách làm ăn, tạo điều kiện cho nhau cùng vươn lên phát triển kinh tế. Kinh tế gia đình và xã hội có bước tăng trưởng rõ rệt. Trình độ nhận thức xã hội, ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân ngày càng được nâng cao. Có thể nói, phong trào đã thực sự phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. 
 
Ở những nơi có phong trào phát triển mạnh thì tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu cơ bản được loại trừ. Những tập quán tốt đẹp được củng cố, an ninh trật tự được bảo đảm. Tính tích cực của phong trào còn thể hiện ở sự đóng góp của người dân đối với các phong trào, như: bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ môi trường, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng tuyến phố văn minh không có rác, nước thải... 
 
Điểm nhấn của phong trào là gì, thưa ông?
 
Điểm nhấn của phong trào chính là các điển hình tiên tiến, các gia đình văn hóa tiêu biểu. Đây là những tấm gương sáng ở cộng đồng dân cư về phấn đấu thực hiện các tiêu chí gia đình no ấm, bình đẳng, hòa thuận tiến bộ, hạnh phúc. Đồng thời đây cũng là những nhân tố tích cực, quan trọng trong việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc trước các tác động của văn hóa độc hại. Các GĐVH là cơ sở nền tảng cho việc xây dựng thành công làng, thôn, bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị văn hóa trên địa bàn. Phong trào trong những năm qua đã góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh, giữ gìn nét đẹp văn hóa gia đình Việt Nam nói chung, văn hóa Huế nói riêng.
 
Theo ông, truyền thống, nền nếp gia phong của người Huế có vai trò như thế nào trong việc xây dựng gia đình văn hóa?
 
Gia đình Việt Nam nói chung và gia đình Huế nói riêng có truyền thống từ rất lâu đời, hình thành nền nếp gia phong như: có hiếu với cha mẹ, ông bà, anh em thuận hòa, vợ chồng thủy chung, kính trên nhường dưới...
 
Ở Thừa Thiên Huế, mô hình gia đình truyền thống 3-4 thế hệ (cố, ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt) cùng chung sống dưới một nếp nhà khá phổ biến. Yếu tố dòng họ, truyền thống, nền nếp gia phong vốn có của vùng đất Cố đô vẫn tiếp tục được duy trì, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình gắn bó, bền chặt. Một yếu tố nữa là vai trò quan trọng của người phụ nữ. Với công dung ngôn hạnh, sự thủy chung, biết chịu thương chịu khó, kính nhường cha mẹ và dạy con cái, người phụ nữ Huế đã điều hòa các mối quan hệ trong gia đình rất tốt.
 
Qua điều tra, Thừa Thiên Huế là địa phương có tỷ lệ ly hôn, tỷ lệ tệ nạn và tội phạm vào loại thấp nhất, nền giáo dục truyền thống được giữ gìn một cách bền vững. Đây chính là những nền tảng quan trọng để phong trào xây dựng GĐVH phát triển bền vững.
 
Ông có lời khuyên như thế nào cho các gia đình, nhất là những gia đình trẻ để họ xây dựng một mái ấm hạnh phúc?
 
Cuộc sống hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế đã tác động đến đời sống gia đình, ở một góc độ nào đó, đã phá vỡ nền nếp gia phong, đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, tình trạng ly hôn, ly thân gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội.
 
Để xây dựng một mái ấm hạnh phúc, các gia đình trẻ cần phải kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống, vừa kết hợp với những giá trị tiên tiến của gia đình hiện đại phù hợp với sự vận động phát triển tất yếu của xã hội. Một mái ấm hạnh phúc là sự hội tụ của nhiều yếu tố, nhưng về cơ bản, theo tôi, các gia đình trẻ cần tập trung vào các vấn đề chính. Thực hiện tốt các chủ trương, pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến gia đình; về quyền, nghĩa vụ của bản thân, gia đình, các cơ quan liên quan đến gia đình. Hoàn thiện các kiến thức về kỹ năng sống, cách tổ chức cuộc sống gia đình phù hợp với cuộc sống hiện đại để vượt qua khó khăn, tạo sự gắn kết giữa các thành viên để xây dựng hạnh phúc. Tôn trọng bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, bài trừ nạn tảo hôn. Chú trọng đến việc giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, xây dựng tình làng nghĩa xóm và quan hệ cộng đồng. Các gia đình trẻ nên kết hợp hài hòa giữa cuộc sống gia đình, cuộc sống cơ quan và cuộc sống cộng đồng. Có như vậy, gia đình sẽ phát triển bền vững và hạnh phúc sẽ lâu dài.
 
Xin cảm ơn ông!
Minh Hiền (thực hiện)