Theo định giá của những người có trách nhiệm, 1 ha tôm nuôi trên địa bàn huyện đạt hiệu quả bằng 350 ha lúa (nếu nuôi trồng thành công). Điều đó một lần nữa khẳng định, đây là nghề nhiều triển vọng, phá thế độc canh cây lúa, là lối ra cho các xã ven biển trong việc đem lại hiệu quả và lợi ích cho Phong Điền từ hướng đi này.

Tuy nhiên, đó chỉ là những điều trông thấy ở những thành công và hiệu quả nhất định. Thành công ấy, nói như anh Nguyễn Viết Hoạch – nguyên Chủ tịch UBND huyện thì mọi việc phải được “nuôi trồng” bằng tính bền vững chứ không thể là theo kiểu cấy rẽ, nhà ai biết nhà nấy được. Giọng nói của người nhiều năm “đứng mũi”, chứa nhiều trăn trở. Câu chuyện về tôm của anh bắt đầu từ con số hơn 23 ha tôm nuôi ở vụ trước của huyện bị mất trắng, tương đương khoảng 4,5 tỷ đồng. Một con số làm “tiếc đứt ruột” so với những gì mà bà con vay mượn, đầu tư và dãi nắng dầm sương. Nhưng quan trọng hơn cái mất trông thấy là cái mất ở chỗ người dân chỉ mới biết mình, chỉ nhìn thấy mình mà chưa biết đi từ cái lợi chung đến cái lợi riêng, mới thấy cái lợi của một vụ nuôi mà chưa thấy nguy cơ đang ở trước mắt.
 
Để thoát ra khỏi tâm lý tiểu nông, biết làm ăn một cách bền vững, điều mà Phong Điền không chỉ xác định mà còn lên kế hoạch hành động cụ thể. Đó không chỉ là tổ chức lại quan hệ sản xuất trong nuôi tôm theo mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới mà người nuôi phải biết cách khai thác có hiệu quả và có tính cộng đồng bền vững trong việc sử dụng hạ tầng. Với mô hình này, người nuôi tôm sẽ cùng nhau đầu tư và cùng sử dụng hạ tầng, nguồn nước dẫn vào từ biển, cách thức xử lý nước thải từ các hồ nuôi đúng quy trình, tiếp cận dễ hơn các nguồn vốn tín dụng với sự hỗ trợ của chính quyền trong vai trò trung gian. Huyện xác định, sự gắn kết của mối quan hệ giữa người nuôi tôm, kỹ thuật nuôi và đầu mối cung cấp tôm giống để có hiệu quả dài lâu. Đồng thời, tổ chức HTX sẽ là nơi tổ chức thu mua tôm thương phẩm cho người nuôi, giảm và đi dần đến hạn chế tình trạng ép giá, cạnh tranh.
 
Phong Điền hiện đang cần tỉnh hỗ trợ một nguồn kinh phí để cùng với ngân sách của huyện mua máy thử chất lượng tôm giống và đang thành lập một đoàn đi kiểm tra các vùng nuôi tôm. Chính quyền địa phương rất tích cực trong việc này với điều kiện đã được thống nhất: nơi nào không tuân thủ đúng quy hoạch, không đúng quy trình trong kỹ thuật nuôi tôm thì dứt khoát đình chỉ.
 
Điều này, không đơn giản chỉ là để người dân thoát khỏi tâm lý tiểu nông mà còn để người nuôi tôm trên địa bàn trở thành nhà nông thời công nghiệp hóa.
 
Hạnh Nhi