Anh kể, vụ này được mùa. Một sào cũng thu được gần 3 tạ lúa. Giá bán ra khoảng 1,7 triệu đồng, nhưng chỉ riêng thuê máy gặt cũng đến 130.000 đồng. Từ đầu vụ đến khi thu thoạch từ làm đất, gieo cấy, làm cỏ, rồi giống, rồi tiền thuốc trừ sâu... bao nhiêu thứ đổ dồn. Tính ra, ngay như được mùa như vụ này, nguồn thu từ cây lúa cũng chỉ là hình thức “mua gạo giá rẻ” mà thôi. Suy đi và tính lại thiệt hơn, anh họ bà con của tôi đã quyết định sẽ không thuê máy mà sẽ gặt lúa bằng tay một số diện tích.
Rõ ràng, ai cũng dễ dàng nhận rõ sự khác biệt căn bản giữa gặt máy và gặt thủ công bằng tay khi mà năng suất gặt máy cao hơn hẳn, lại có thể nhanh chóng giải phóng đồng ruộng trong bối cảnh “vụ chồng lên vụ” như trong thời điểm tháng năm này. Giá cả cũng rẻ hơn nếu tính toán chi li so với gặt tay. Vậy nhưng, ông anh họ tôi lại có cách tính khác cũng rất có lý. Đó là gặt tay có thể huy động nguồn lao động trong gia đình, chỉ cần thuê thêm một số công thợ. Việc “phơi cồi” trên ruộng giúp lúa khô, đỡ tốn công phơi ở nhà. Thất thoát lúa khi thu hoạch cũng giảm rất đáng kể nếu có ý thức bảo quản tốt. Điều quan trọng là không phải bỏ ra một số tiền thuê máy gặt, không nhiều nhưng rất đáng kể so với túi tiền hạn hẹp của nhà nông.
Nhân tính toán của ông anh họ, mở rộng tìm hiểu tôi nhận thấy, việc nâng cao mức độ cơ giới hóa trong thu hoạch lúa đang được đẩy mạnh ở Thừa Thiên Huế. Theo một nghiên cứu mới đây của Trường đại học Nông Lâm Huế, tỷ lệ sử dụng máy gặt rải hàng trên diện tích 100 ha ở huyện thị cao nhất là trong đã đạt tới cao số 1,77 máy và thấp nhất là 0,12 máy. Nhiều địa phương và nông dân khá giả cũng đã đầu tư mua sắm một số lượng khá lớn máy liên hợp gặt đập để kinh doanh “gặt thuê” trong thu hoạch lúa. Đó là con số đáng mừng. Tuy nhiên, không vì thế mà vội phê phán hình thức “lấy công làm lãi’ theo kiểu gặt lúa bằng tay, một phương thức làm ăn không đem lại năng suất cao nhưng lại tỏ ra hiệu quả trong việc cân đối thu chi khi mà chi phí sản xuất lúa đang gồm rất nhiều khoản khác nhau mà thu nhập lại không cao và nhà nông đang có nguồn lao động tại chỗ khá dồi dào, chưa sử dụng hết.
Suy cho cùng, chuyện “lấy công làm lãi” của nông dân trong thu hoạch lúa cũng là bài toán kinh tế, hạch toán thu chi đầu vào và đầu ra để mang lại một hiệu qủa thiết thực. Đó cũng là kiểu “liệu cơm gắp mắm”, dẫu không mang tính làm ăn lớn và hiện đại nhưng lại xuất phát từ thực tế, thể hiện sự suy nghĩ độc lập của người nông dân trên mảnh ruộng mà họ là người làm chủ. Nó sẽ thay đổi khi có nhiều điều kiện thay đổi đi kèm, chớ có vội lo!