Tác động của nó ngày càng rõ ràng hơn trong sự phát triển và cũng gây ra không ít xáo trộn. Thành quả của khoa học công nghệ đã dần thay thế một phần hoặc hoàn toàn những vị trí của con người là điều không còn viễn vông nữa. Nói nôm na, khi khoa học công nghệ phát triển nó sẽ lấy đi phần việc của con người với tư cách là người lao động. Theo dự báo của ILO (Tổ chức Lao động quốc tế), những việc làm có tính lặp đi lặp lại của lao động giản đơn, như ở các ngành dệt may, da giày… sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Có thể nói, những dự báo này là lời cảnh báo đối với các ngành thâm dụng lao động, nhất là các trung tâm dệt may. Trong quá trình phân công lao động, ngành dệt may đã di chuyển từ những nước phát triển đến những nước kém phát triển hơn. Tương tự, ở trong nước, nó dịch chuyển từ các trung tâm phát triển kinh tế đến những nơi có lợi thế nhân công giá rẻ và một số lợi thế khác như giá thuê đất rẻ hơn và có những ưu đãi hơn. Nhiều tỉnh miền Trung hiện nay chính là sự dịch chuyển của xu hướng này. Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở. Nhiều tỉnh của miền Trung ngày càng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp để thu hút đầu tư. Lại là nơi có quỹ đất còn dồi dào và nguồn lao động nhân công giá rẻ.

Trong điều kiện hiện tại của nhiều tỉnh miền Trung, có vẻ như dệt may là một lựa chọn cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ, thu hút đầu tư, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách và nhất là giải quyết việc làm... Nhiều tỉnh ở miền Trung, chỉ trong vòng chừng 15 năm đã có đến hàng chục  nhà máy của ngành dệt may ra đời. Trong hiện tại, lĩnh vực dệt may có tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội, các chỉ số ở các lĩnh vực như thu hút đầu tư, xuất khẩu, việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đều có những ghi nhận tích cực.

Bối cảnh hiện tại khác với trước đây rất nhiều. Cũng là trung tâm dệt may, nhưng những trung tâm dệt may hình thành trước đây được hưởng lợi hơn nhiều. Bởi nó hình thành không phải là thời điểm cuộc CMCN 4.0 hình thành và phát triển mạnh mẽ như bây giờ. Nghĩa là nó hình thành trong thời kỳ có nhiều lợi thế. Hiện nay, CMCN 4.0 có sức tác động ngày càng mạnh mẽ, vì vậy, chính những nơi “chậm chân” hơn trong việc hình thành trung tâm dệt may rất có thể sẽ gánh chịu nhiều hậu quả. Chúng ta cứ hình dung, nếu như những dự báo việc tự động hóa thay thế dần việc làm trở thành hiện thực, và rất có thể nó đến nhanh hơn, thì với hàng chục ngàn lao động đang làm việc trong ngành dệt may ở miền Trung sẽ như thế nào? Ngành dệt may đem đến cơ hội việc làm cho họ, với mức thu nhập của các vị trí lao động giản đơn không cao, thời gian để có thể tích lũy được nguồn lực vật chất chưa nhiều thì cuộc CMCN4.0 đã tác động lấy đi việc làm của họ. Sẽ không dễ gì giải được bài toán xã hội khi điều này diễn ra.

Khác với dự báo của ILO, một số nhà sản xuất trong nước nhìn nhận vấn đề có vẻ lạc quan hơn. Họ cho rằng may mặc là một ngành thời trang. Đã là thời trang, sở thích của mỗi người, của từng giai đoạn không giống nhau. Nếu công nghệ có thay thế việc làm thì cũng ở mức độ thấp, có thể dưới 20 – 30%.

Câu chuyện tác động của những tài xế lái xe áp dụng công nghệ như Uber, Grab gây tranh cãi trong thời gian vừa qua cho thấy những tác động mạnh mẽ của công nghệ vào việc làm. Nhưng dù sao, đây vẫn là một sự thay đổi phương thức kinh doanh chứ không phải là sự  thay đổi lao động. Nhưng nếu khoa học công nghệ diễn ra trong ngành dệt may, nó sẽ thay thế việc làm của người lao động, giả sử như chỉ một tỷ lệ thấp vài mươi phần trăm cũng đã đủ gây ra những xáo trộn.

NGUYÊN LÊ