Lịch sử kinh thành Huế vang dội mấy trăm năm, rồi ngôi chùa Thiên Mụ danh thắng hàng đầu xứ thần kinh và cả tên gọi của con sông huyền thoại đã gắn liền với một giấc mộng, một bà lão râu tóc bạc phơ và còn nữa là cả một nén hương thơm. Câu chuyện nhuốm màu thần bí dừng lại, nhưng người đời vẫn muốn kể thêm về một làng nghề xứ Huế cũng bắt đầu từ đó mà hình thành, nằm ở phía đối diện với ngôi chùa Thiên Mụ, như một lời giải thích về sự xuất hiện của nén hương trong tay bà lão năm nào trong mộng.

Tôi đã bao lần lên về làng nghề nằm ngay trên con đường Huyền Trân Công Chúa đến lăng vua Tự Đức, chen giữa núi đồi và hai bên rợp bóng cây xanh này. Từ xa, ở phía đường Lê Ngô Cát đã thấy lấp ló và rực rỡ những sắc màu xanh đỏ. Thì ra, cứ vào sáng sớm, người thợ làm hương ở đây lại đem tăm hương và hương mới làm ra phơi và cũng là như để “khoe”. Tăm hương với đủ sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng được sắp xếp thành những bông hoa nhiều sắc màu. Để rồi, trước khi vào lăng thăm viếng vua Nguyễn, thưởng ngoạn không gian di tích hàng đầu xứ thần kinh, rất nhiều vị khách đã tranh thủ ghé lại những quán làm hương, không chỉ ngắm, chứng kiến những công đoạn sản xuất, mà còn để được trải nghiệm khi tự tay thực hiện việc xe hương vốn không quá phức tạp và tất nhiên, không thể không mua một vài nén hương trầm.

Cũng như trong cuộc sống đời thường, hương Huế làm ra có nhiều loại đáp ứng khả năng và nhu cầu của mỗi người và mỗi một gia đình. Vậy nhưng, nổi tiếng nhất phải kể tới là loại hương trầm với mùi hương khi đốt lên nhẹ dịu, sâu lắng mà ấm áp lạ thường. Và để có được thứ hương trầm ưng ý, nhìn có vẻ giản đơn kia lại là cả sự kỳ công của người thợ, từ việc tuyển chọn nguyên liệu, gia công phần lõi hương, phơi khô và nhuộm màu chân hương cho đến việc xe hương. Tất cả đều phải được làm bằng sự chú tâm đặc biệt và sự tinh tế của những người thợ thấu hiểu sự đời. Không chỉ có một làng hương chuyên nghiệp, ở đâu trên đất Huế cũng có thể bắt gặp cảnh tượng người thợ làm hương. Nó đã trở thành một nét văn hóa cho Huế mất rồi.

Cây hương vốn gần gũi với người Việt mình, nhất là với người dân miền núi Ngự sông Hương, nơi có hàng trăm ngôi chùa và cũng là nơi mà việc thờ cúng tổ tiên đã ăn sâu vào tâm khảm và nếp sống hàng ngày của bao người. Ngày xuân, nhìn lên bàn thờ nhà ai thấy một thoáng hương trầm cảm thấy lòng mình như ấm lại, còn không nó trống lạnh, vắng vẻ thế nào. Rằm hay mồng Một bước ra khỏi nhà mà quên thắp cây hương bụng dạ cứ bồn chồn và chân không sao bước được. Ở các nhà chùa, việc nhang khói trở thành nếp sinh hoạt hằng ngày. Còn nữa với bao người dân Huế, gặp phải lúc cảnh đời éo le, chồng con ốm đau hoạn nạn, nỗi oan khiên của lòng mình trắc ẩn và nữa là cả niềm vui sum họp hay sự may mắn bất ngờ ập đến, sự tỏ bày là một nén hương trầm như một tấm lòng thành cầu mong ơn trên chứng giám.

Đó cũng là hình ảnh của mẹ tôi ở quê nhà. Đã ngoài “thất thập”, mẹ một mình ở quê. Tôi để ý, đã nhiều năm rồi, hàng ngày vào lúc lên đèn, công việc của mẹ là thắp hương. Lúc còn khỏe, có việc đi xa cứ đến chập choạng tối là mẹ đứng ngồi không yên. Mẹ bảo, hương trầm ngát thơm tỏa ra như làm ấm lại lòng người, hướng tâm hồn ta đến sự thanh cao, trong sáng. Nó là nét thiêng, là niềm tin mang đậm đà bản sắc Huế.

Đình Nam