Tổng thể lăng chia làm 3 khu vực. Phần chính giữa là khu lăng mộ của vua Gia Long và chính phi. Qua khỏi sân chầu với các hàng tượng đá uy nghiêm và 7 cấp sân tế là Bửu Thành ở đỉnh đồi - nơi vua Gia Long và chính phi Thừa Thiên Cao Hoàng hậu được song táng. Bên phải khu lăng là khu vực tẩm điện với điện Minh Thành là trung tâm. Trong điện có thờ nhiều kỷ vật gắn bó với cuộc đời của vua Gia Long như cân đai, mũ, yên ngựa, nay không còn. Bên trái khu lăng là Bi Đình, nay chỉ còn một tấm bia lớn ghi bài văn bia “Thánh đức thần công” của vua Minh Mạng ca ngợi vua cha, được chạm khắc tinh tế.

Cảnh sắc quanh lăng

Từ Kinh thành Huế đến lăng Gia Long, du khách có thể ngược thuyền theo sông Hương (khoảng 18km), hoặc linh động bằng xe máy, xe đạp (chừng 16km) rồi qua bến đò Kim Ngọc. Mỗi ngả đường đều cho du khách những trải nghiệm thú vị riêng. Nếu theo đường sông, du khách sẽ được thả hồn theo sông nước Hương giang, ngắm cảnh chùa Thiên Mụ, Văn Miếu hay núi Ngọc Trản… Nếu là đường bộ, du khách lại được đi giữa những đường làng bình yên của 2 xã Thuỷ Bằng (Hương Thủy) và Hương Thọ (Hương Trà) với những vườn cây trái xum xuê, trù mật. Dọc bãi bồi ven sông là một màu non tươi của ngô và các loại đậu. Sâu vào trong làng là những vườn thanh trà, bưởi. Vào mùa chớm hạ, hương bưởi, hương thanh trà và thoang thoảng hương xoan đưa đến cho du khách cảm giác thư thái sau quãng đường xa.

Đoàn khách đến từ Tây Ninh đang vào thăm lăng Gia Long

Trong những năm qua, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã triển khai nhiều dự án trùng tu lăng Gia Long, gồm: phục hồi điện Minh Thành, phục hồi nhà Đông vu, Tây vu, tu bổ mộ vua - hoàng hậu và la thành, kè bờ hồ, trụ biểu chính, đầu tư hệ thống hạ tầng như làm đường, lưới điện, nạo vét thủy hệ nối với sông Hương, khuôn viên, các bậc cấp dẫn lên lăng, bia đá, nhà bia, đường dẫn và cổng tam quan của khu vực điện Minh Thành… Hiện nay, Trung tâm đang thực hiện dự án phục hồi, tu bổ và tôn tạo điện Gia Thành - nơi thờ Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, mẹ vua Minh Mạng. Các dự án trùng tu tại lăng Gia Long đã và đang được thực hiện theo hướng kết hợp xây dựng hạ tầng và dịch vụ, từng bước tôn tạo lăng thành khu vực du lịch văn hóa sinh thái hấp dẫn, thu hút khách du lịch.

Hiện nay, số lượng du khách đến lăng Gia Long đang ngày càng được cải thiện đáng kể. Đa phần du khách vượt dặm xa xôi là những người ưa phiêu lưu và ưa tìm về nơi trời đất giao hoà mà hiếm điểm lăng tẩm khác trong quần thể di tích Cố đô Huế có được.

Đồng Văn