Thủ tướng Úc Malcom Turnbull sẽ có bài phát biểu quan trọng tại buổi khai mạc Đối thoại Shangri-La 16 ngày 2/6/2017. Ảnh: IISS

Trật tự chiến lược ở châu Á

Giáo sư nghiên cứu các vấn đề chiến lược của Đại học Quốc gia Australia Hugh White mới đây nhận định, hội nghị năm nay sẽ không dễ dàng cho cả Mỹ cũng như các nước đồng minh của Washington. Trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, thách thức đối với tất cả các nước ở châu Á là làm sao để không cố đẩy lùi sự thay đổi trật tự chiến lược trong khu vực mà phải tìm cách quản lý sự thay đổi đó.

Cần nhìn nhận một thực tế rằng, trật tự cũ dựa trên ưu tiên hàng đầu của Mỹ đã không còn nữa. Một trật tự mới đang nổi lên, trong đó Trung Quốc đang và sẽ đóng một vai trò lớn hơn. Theo đó, các quốc gia châu Á khác cần có hướng phát triển phù hợp. Theo giáo sư White, trong bối cảnh đó, các nước cần quản lý sự chuyển đổi trật tự châu Á sang trật tự mới một cách hòa bình, và đảm bảo rằng, khi trật tự mới xuất hiện, nó sẽ bảo vệ hữu hiệu những lợi ích then chốt của tất cả các nước trong khu vực.

Vai trò của Mỹ

Một vấn đề khác cũng thu hút sự quan tâm của diễn đàn Shangri-La 16 là tác động của những chính sách đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà chính quyền mới của Mỹ đang theo đuổi khi đến nay, chiến lược của Washington nhằm duy trì an ninh tại khu vực này vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis xác nhận sẽ tham dự diễn đàn Shangri-La năm 2017, với những phát biểu công khai đầu tiên về khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dự kiến, ông ​​sẽ đề cập đến việc liệu khu vực này có còn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ hay không và Tổng thống Trump sẽ can dự vào những thách thức nào của khu vực.

Vấn đề biển Đông

Quan hệ Trung - Mỹ dường như diễn ra suôn sẻ sau hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, căng thẳng quanh vấn đề biển Đông đã tăng lên vào tuần trước khi khu trục hạm USS Dewey của Hải quân Mỹ tiến hành hoạt động hàng hải lần đầu tiên trong hơn 6 tháng qua khi đi vào vùng 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn (ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Theo IISS, Trung Quốc được dự đoán sẽ có phản ứng trước sự kiện này tại diễn đàn Shangri-La. Mặt khác, Bắc Kinh cũng muốn thúc đẩy chương trình nghị sự một cách tích cực hơn, trong đó Trung Quốc và ASEAN nhất trí với khuôn khổ về Quy tắc ứng xử, nhằm giảm nhẹ các sự cố trong hoạt động hàng hải, IISS nhận định.

Bắc Triều Tiên

Đối với vấn đề Bắc Triều Tiên, khó có khả năng nước này sẽ từ bỏ chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân, bất chấp các lệnh trừng phạt mà nhiều nước áp đặt nhằm gây sức ép, trang Asianz ngày 31/5 nhận định. Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng từ các nước châu Á dự kiến ​​sẽ đưa ra một tuyên bố chung lên án các hành động của Bình Nhưỡng tại Shangri-La 16, nhưng ước đoán sẽ không có nhiều tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề này. Asianz cũng cho rằng, các nỗ lực phối hợp chặt chẽ hơn nữa có thể là con đường tiếp theo, trong đó ASEAN được kỳ vọng sẽ đóng vai trò thúc đẩy các cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên.

Chủ nghĩa khủng bố

Mối đe dọa từ các nhóm khủng bố và cực đoan cũng không nằm ngoài chương trình nghị sự chính của các nhà lãnh đạo tại Đối thoại Shangri-La 16, nhất là sau vụ đánh bom tại Manchester, Anh và những vụ tấn công khủng bố tại Indonesia, Philippines...

Mới đây, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thúc đẩy việc phê chuẩn luật chống khủng bố chặt chẽ hơn sau khi vụ đánh bom tự sát ở Jakarta khiến 3 cảnh sát thiệt mạng. Trong khi đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố tình trạng thiết quân luật tại Mindanao, nơi các chiến binh liên quan đến lực lượng cực đoan Nhà nước Hồi giáo IS vây hãm thành phố Marawi.

Sự xuất hiện của IS ở Đông Nam Á, cũng như ở Úc, cho thấy mối đe dọa này rất rõ ràng và là thực trạng phải đối mặt. Do đó, các nước châu Á cũng cần thảo luận về các biện pháp trong nước và khu vực để đối phó với vấn đề này.

TỐ QUYÊN (Tổng hợp & lược dịch từ Straitstimes, IISS & Asianz)