Cán bộ lãnh đạo phải xứng tầm. Có xứng tầm mới đề ra được kế hoạch đúng, sát với thực tế, mới kiểm tra, đánh giá đúng việc làm của cấp dưới. Cái tầm không chỉ biểu hiện trong công việc cụ thể mà còn là tầm nhìn xa trông rộng, nhận định được những diễn biến sẽ xảy ra trong tương lai. Tầm phán đoán của người lãnh đạo hết sức quan trọng. Nó cho biết trước những thuận lợi, khó khăn, những điều tốt và xấu, những việc lợi và hại... để mà xử lý một cách chủ động khi nó diễn ra. Thuận lợi thì phát huy, khó khăn thì có hướng giải quyết một cách hoàn toàn chủ động nhằm đem lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội, cho đơn vị, cơ quan mình.

 

Cán bộ lãnh đạo không đủ tầm thường làm yếu cơ quan, đơn vị. Cấp dưới không tâm phục khẩu phục dẫn đến nội bộ mất đoàn kết, bằng mặt không bằng lòng, hệ quả là khó hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao...

 

Cái tầm của người lãnh đạo hết sức quan trọng. Từ đó thấy rằng trong bố trí cán bộ lãnh đạo, việc lựa chọn cán bộ xứng tầm là trách nhiệm của các cấp, các ngành, phải tuân thủ quy chế thật chặt chẽ. Vì vậy việc lựa chọn cán bộ không thể phó thác cho một số người. Làm như vậy tệ thân quen, vị nể, chạy chức, chạy quyền... sẽ có cơ sinh sôi, bén rễ.

 

Trong thực tế, chúng ta thấy rằng tư tưởng “sợ hơn mình” là tư tưởng tệ hại đang tồn tại. “Sợ hơn mình” là một thực tế! Điều dễ hiểu là sợ cấp dưới tài năng, tiến bộ vượt trội sẽ vươn lên vượt mình, tranh ghế mình nên phải dìm họ lại!

 

Cán bộ lãnh đạo phải có tầm là điều hiển nhiên. Nhưng cái tầm dù cao đến mấy vẫn không đủ khi người đó thiếu cái tâm. Tâm và tầm là hai nội dung mang tính biện chứng. Có tầm mà lại có tâm thì giải quyết, điều hành công việc hết sức khoa học, khách quan, trách nhiệm, luôn hoàn thành xuất sắc công việc của cơ quan, đơn vị. Cái tâm biểu hiện ở sự khoan dung, nhân ái, thương người; luôn đặt công việc chung bên trên lợi ích riêng tư, biết trắc ẩn trước nỗi đau riêng của cán bộ, của cộng đồng. Hiện tượng chỉ biết mình, cá nhân mình làm cho một bộ phận cán bộ mờ mắt trước cám dỗ vật chất, họ vô cảm trước sự đời éo le của người khác.

 

Một số cán bộ lãnh đạo cứ tưởng rằng, hễ cán bộ dưới quyền sợ là được, bảo gì cấp dưới răm rắp làm là xong. Chính đây là điều sai lầm lớn nhất. Người xưa có câu chí lý: “Dạ trước mặt, ...” có nghĩa là cấp dưới cứ dạ dạ, vâng vâng nhưng họ coi thường, coi kinh. Dạ rồi để đó, có làm thì làm qua loa, làm cho có làm. Đừng tưởng cấp dưới không có ý kiến, cứ im lặng làm việc là biểu hiện tốt. Nếu nghĩ vậy thì người lãnh đạo dễ vấp sai lầm và lún sâu vào những sai lầm khác. Đơn giản bởi đây là điểm yếu của lãnh đạo để kẻ xu nịnh lợi dụng ton hót để làm sai lệch nhiều việc trong cơ quan đơn vị.

 

Người lãnh đạo phải có tâm. Trước hết là thật trong sáng, biết được người ngay, kẻ nịnh, nghiêm túc với bản thân, gương mẫu cho mọi người.

 

Trong thực tế công tác, tôi tiếp xúc với nhiều cán bộ lãnh đạo ở nhiều ngành, nhiều cấp khác nhau. Với người cán bộ lãnh đạo có tâm có tầm, trao đổi giải quyết công việc thấy nó “sướng” lắm. Sướng vì họ nắm quá chắc vấn đề với tầm nhìn rộng. Lại có tâm, nên trước những việc thương tâm, khốn khó họ có cảm xúc sẻ chia, rất dễ để tâm giải quyết sự việc khoa học, kịp thời. Từng gặp và làm việc với người cán bộ có tầm tôi thấy ở họ toát lên tính bao trùm của công việc. Lĩnh vực mà họ đang phụ trách như nằm trong lòng bàn tay. Lật qua cũng biết, lật về cũng tường tận. Họ trao đổi với cấp dưới bằng sự hiểu biết và với thái độ chân tình. Họ gỡ khó cho cấp dưới bằng những lý giải khoa học, đúng luật, có lý, có tình. Từ một công việc cụ thể nó như một bài giảng về năng lực chuyên môn, về năng lực giải quyết tình huống cho cấp dưới nhận ra. Nhận ra sự vận dụng vào thực tiễn công việc để không rập khuôn máy móc, cứng nhắc làm đình trệ sự phát triển của đơn vị.

 

Năng lực chuyên môn giỏi, năng lực quản lý tốt, tư duy lý luận sâu, nắm bắt thực tiễn cụ thể, chân tình, cởi mở, trong sáng…, người cán bộ lãnh đạo như vậy ai mà không tâm phục khẩu phục. Cọ xát với các ngành, các cấp tôi có nhiều cuộc đối thoại, phản biện công việc với nhiều cán bộ lãnh đạo. Ít ra trong tôi cũng lớn lên rất nhiều huống gì là cấp dưới của họ.

 

Học ở họ sự tận tâm, yêu công việc. Nhiều cán bộ lãnh đạo ở một số ngành xem công việc như một niềm đam mê với ý thức trách nhiệm cao. Họ thực hiện chức trách nhiệm vụ như sự hóa thân, nhập thần khiến cả bộ máy cùng hoạt động trong nhịp đi đồng điệu. Phòng, ban nào cũng tràn không khí thi đua lao động. Ngược lại ở một số đơn vị, cơ quan, người lãnh đạo có khi có lúc chưa nắm kỹ công việc của mình. Trước những tình huống không tốt diễn ra trong ngành, họ vô cảm, thờ ơ và im lặng đến đáng sợ về một vấn đề bức xúc cần giải quyết. Đó là những cán bộ lãnh đạo hầu như tâm chưa có và tầm thì cần xem lại.

 

Hơn lúc nào hết, trước sự phát triển, hội nhập của đất nước, chúng ta cần có thật nhiều cán bộ lãnh đạo có tâm và có tầm. Phải rèn đức luyện tài để phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân. Từng cơ quan, đơn vị, từng cán bộ, đảng viên phải xem tâm và tầm là đức tính xuyên suốt của người cán bộ cách mạng.

Chiến Hữu