Người chiến sĩ trong thời chiến sống bình dị, vui vầy bên gia đình

Chiến sĩ Điện Biên

Mân mê những tấm huân chương chiến công, đôi tay run run và ký ức về một thời kháng chiến khốc liệt cứ thế ùa về. Từng tấm huân chương, bằng khen… trao tặng khi nào, thành tích gì được ông kể lại tỉ mỉ.

Năm 18 tuổi, chàng trai trẻ rời quê hương An Truyền (xã Phú An, huyện Phú Vang) lên đường nhập ngũ. Khi đó, ông được biên chế vào Xưởng Điện Xa của Quân khu 4. Sau một thời gian công tác, mong muốn được ra chiến trường, trực tiếp chiến đấu với quân thù của ông cũng thành hiện thực. “Nhận được quyết định chuyển qua Trung đoàn 45, Đại đoàn công pháo 351 để tham gia Chiến dịch Biên giới (1950) mà tui còn chưa dám tin, cứ nghĩ có khi nào chỉ huy lại thay đổi quyết định”. Sau khi chiến dịch thắng lợi, đơn vị rút quân về củng cố lực lượng để chuẩn bị cho những trận đánh tiếp theo.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị ông được giao nhiệm vụ nổ những loạt đạn pháo đầu tiên mở màn cuộc tấn công vào tập đoàn cứ điểm uy lực của Pháp dưới lòng chảo Điện Biên. Khi trung đoàn vào bố trí trận địa, ông cùng hai người nữa được tách ra để làm trận địa giả. Với nhiệm vụ làm mục tiêu cho địch, khi đơn vị vào trận địa bắn pháo, tổ của ông cho bộc pháo nổ để đánh lạc hướng quân địch. “Hầm liên tục bị phản pháo, địch tập trung toàn bộ hỏa lực về phía trận địa giả. Cầm cự được hơn nửa ngày thì hầm sập. Chúng tôi được lệnh rút khỏi hầm để bảo vệ an toàn tính mạng, nhưng nếu rút thì địch sẽ phát hiện ra đó là trận địa giả và chuyển qua tấn công trận địa pháo binh. Do vậy, cả ba anh em đều thống nhất đưa ra quyết định sẽ bám trụ trận địa giả tới cùng”, kể đến đây, giọng ông chùng xuống, đôi mắt ngấn lệ. “Đang sửa lại hầm để tiếp tục làm nhiệm vụ thì chúng tôi hay tin cậu Trụ (làm nhiệm vụ thông tin) đang trên đường đi nối dây liên lạc bị đứt thì bị địch bắn. Lúc này cả ba anh em chỉ biết ôm nhau khóc òa. Càng đau đớn, chúng tôi càng quyết tâm bám trụ trận địa. Lúc này chỉ nghĩ được một điều duy nhất là không thể để đồng đội mình hy sinh vô ích. Trận đánh này nhất định phải thắng”.

Khi trận địa giả được giữ vững, 19 quả đạn 105 ly bắn vào Him Lam chiều 13/3/1954 đã đánh sập cột cờ, phá hủy 7 lô cốt mẹ, trong đó có lô cốt của Bộ Chỉ huy Pháp, 5 tổ đài vô tuyến, diệt tại chỗ nhiều sĩ quan và lính Pháp. Tiếp theo, tất cả các đơn vị pháo đồng loạt bắn phá Him Lam. 300 viên đạn 105 cày nát trận địa địch, làm địch tê liệt hoàn toàn, tạo điều kiện cho bộ binh Sư đoàn 312 tấn công tiêu diệt cứ điểm. Trận mở màn thắng lợi, Him Lam - cánh cửa sắt của cứ điểm Điện Biên Phủ được mở. Trên đà thắng lợi, Đại đoàn công pháo 351 tập trung toàn bộ hỏa lực pháo binh trực tiếp yểm hộ cho bộ binh tiến công, kiềm chế pháo binh địch, tập kích vào cơ quan chỉ huy ở Mường Thanh, sân bay và các kho tàng. Đại đội lựu pháo 806 được giao trọng trách giương cao nòng pháo trút loạt đạn đầu tiên dội xuống lòng chảo theo mục tiêu đã định. Các loại pháo khác của ta cũng đồng loạt lên tiếng, tạo thời cơ cho bộ binh tiến lên và tạo nên một cơn mưa đại bác bắn chính xác vào cứ điểm của địch. Từ trên các điểm cao, hỏa lực bắn cấp tập về phía dưới tập đoàn cứ điểm.

 Sau trận mở màn, người chiến sĩ dũng cảm Đoàn Văn Mãng được tặng Huân chương chiến sĩ hạng Ba và được tuyên dương ngay tại trận địa, còn đơn vị ông được tặng cờ “Quyết chiến, quyết thắng”.

Tiếp tục đánh Mỹ

Kết thúc chiến dịch, ông Mãng cùng đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô, sau đó ông được cử đi học và về công tác tại Trạm quân giới Quân khu 3.

Năm 1964, Mỹ tiến hành phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, miền Bắc chuyển mọi hoạt động sang thời chiến. Ông Mãng một lần nữa lên đường ra chiến trường với nhiệm vụ của một người lính thợ. "Đơn vị bắn máy bay ở đâu, tôi có mặt ở đó. Những người lính thợ như chúng tôi phải có mặt kịp thời để sửa chữa pháo, đảm bảo phục vụ tốt cho các trận đánh. Có lần, vừa mới tiếp cận được khẩu pháo bị hư thì bị địch dội bom tới tấp. Nhưng thời gian không cho phép chúng tôi được chậm trễ, nếu pháo không bắn hạ được máy bay thì còn biết bao nhiêu đồng bào phải ngã xuống, biết bao nhiêu làng mạc bị tàn phá. Chúng tôi thay phiên nhau sửa chữa pháo, nếu địch dội bom thì chạy vào hầm, cuối cùng chúng tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ"- ông Mãng nhớ lại.

Với những đóng góp của mình, ông Mãng được đề bạt làm Trạm trưởng trạm quân giới và chuyển về công tác tại Tỉnh đội Hòa Bình cho tới khi nghỉ hưu. Sau bao nhiêu năm công hiến cho Tổ quốc, khi về hưu ông vẫn chọn trở về với quê hương. Năm 1988 gia đình ông chuyển về Huế sinh sống. Về với đời thường, không những cùng với gia đình gây dựng kinh tế mà ông còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. 15 năm là tổ trưởng tổ dân phố, ai cần giúp đỡ gì ông cũng chẳng bao giờ nề hà, luôn được bà con tin tưởng, quý trọng.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những ký ức về một thời máu lửa anh hùng vẫn in đậm trong tâm trí ông. Đi qua hai cuộc chiến, vượt qua muôn vàn khó khăn, hôm nay, người lính già sống bình dị, vui vầy bên người bạn đời và con cháu. "Tôi vẫn kể cho con cháu nghe về những trận chiến ác liệt, về những gian khổ của chiến tranh không phải để kể công lao mà muốn con cháu mình biết trân quý hòa bình, biết về lịch sử dân tộc và đời đời nhớ ơn những anh hùng đã ngã xuống", đó là lời bộc bạch tự đáy lòng của người cựu binh già.

Bài, ảnh: Thanh Thảo