Các vị chúa Nguyễn đã chú tâm mở phố, biến cái làng quê ven dòng Hương, nhưng có vị trí trên bến dưới thuyền, cư dân giàu truyền thống buôn bán thành chợ làng, thành phố thị và hơn thế trở thành phố cảng. Một thời Thanh Hà là điểm đến của các thương nhân châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản hay châu Âu, như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp. Nó khiến cho chừng ba trăm năm sau đó, Học giả Đào Duy Anh trong một bài viết đăng trên tập san Đô Thành hiếu cổ (BAVH) cũng phải bày tỏ sự kính trọng khi viết: “phố cổ bên bờ sông Hương là một khu thương mại sầm uất và trên cảng Thanh Hà có khu phố lớn tên là Đại Minh khách phố nhộn nhịp bậc nhất Đàng Trong”. Danh xưng Thanh Hà và sau này kế tiếp là Bao Vinh sánh cùng Kim Long và Phú Xuân trong lịch sử.

Đường về Thanh Hà không xa. Bao lần lên về, tôi có cảm giác Huế như ngôi nhà rường bề thế án ngự, còn Thanh Hà là mái tranh xưa khiêm tốn nằm ẩn khuất phía đằng sau vườn, gần gụi đến bất ngờ, mở cửa ra là nhìn thấy nhưng quá ít người chịu khó bước ra. Dọc theo con đường nhỏ hẹp và ngoằn ngòeo men đôi bờ sông Hương là những xóm làng và phố chợ tênh hênh. Dấu xưa như chỉ còn lại trong ký ức và những tên đất, tên làng…

Nhà sử học Đỗ Bang, người có nhiều nghiên cứu về Thanh Hà, đã nhắc tới hồ sơ lưu trữ của làng Minh Hương, cho biết vào năm Thịnh Đức thứ 6 (1658), chúa Nguyễn Phúc Tần “thi ân cho lập phố tại đất đồn thổ thuộc làng Thanh Hà và Địa Linh là 1 mẫu 2 sào 5 thước 4 tấc” và ông khẳng định, đó là cái “rốn đất” thương nghiệp của phố Thanh Hà bước vào thời thịnh vượng. Cũng chính ông Đỗ Bang đã kể lại việc phát hiện ra một giếng cổ có hình vuông được xem là chứng tích của chợ Thanh Hà xưa tại vườn nhà của một người có tên là Huỳnh Quỳnh và việc người dân khi sản xuất vẫn hay bắt gặp những mảnh gốm vỡ, gạch ngói vôi vữa, được xem là dấu tích hoang phế của phố cổ ngày xưa. Còn tôi, đã nghĩ cái mốc thời gian hàng mấy trăm năm, nghĩ đến sự đổi thay và lãng quên của người đời khi Thanh Hà mất rồi thế đắc dụng.

Buổi sáng giữa thu, lênh đênh trên con đò ngược dòng từ ngã ba Sình lên Huế, tôi cố tìm lại một thời Thanh Hà theo hành trình của những tàu thuyền từ năm châu hơn bốn trăm năm trước bôn ba đến Huế giao thương. Bắt gặp về phía dưới ngược lên sừng sững là 2 cồn đất nổi lên giữa dòng Hương Giang. Dân gian nôn na gọi là cồn lớn và cồn nhỏ. Sử sách lại nhắc đến với cái tên cồn nổi Minh Hương hay còn gọi là cồn Bút (dự báo trong vùng sẽ xuất hiện người tài đỗ đạt cao). Còn dưới con mắt của những người làm công tác quản lý đô thị thì chính “mô đất nhô lên trước” khiến tàu bè không qua lại được và phố cảng Thanh Hà bị bồi lắng, nằm lùi sâu và đất liền và lụi tàn dần. Để rồi, với địa thế “Bao Vinh cao bọc, hẵm bờ/ Ghe mành lui tới, mẹ nhờ duyên con”, Bao Vinh đã đón lấy cơ hội từ Thanh Hà để trở thành khu thương mại lớn nhất của đất kinh kỳ vào thế kỷ XIX.

Trong tiết trời lãng đãng của một ngày đông, có hơi cay của ly rượu nồng, tôi đã nghĩ đến một vòng quay nghiệt ngã của phố cảng Thanh Hà, ra đời từ làng quê và rồi như một giấc mơ qua, lại trở về với phận số của một làng quê. Có điều nó không được như Hội An đồng đẳng ở phía bên trong, trở thành điểm đến cho bao người trong xã hội hiện đại luôn có khát khao xê dịch. Ở đây chẳng biết đâu là cảng xưa, là phố cũ, là ngôi chợ Thanh Hà của ngày nào ấy. Hậu thế của Pierre Poivre, người vào giữa thế kỷ 18 từng đến Huế khảo sát tình hình buôn bán ở Thanh Hà, hẳn cũng chỉ có thể tưởng tượng từ trên con đò dọc theo dòng Hương Giang về một Thanh Hà xưa với những mô tả của bậc tiền nhân để lại từ trong sách vở. Đó là tôi nghĩ vậy khi lại một lần nữa sáng nay đi qua Thanh Hà, chạnh nhớ lại về một Thanh Hà ngày xưa rực rỡ…

Đình Nam