Lệ Chi
Lệ Chi, tục danh quả vải, còn gọi đơn lệ. Người xưa nói: quả lệ chi có vỏ như nhiễu đỏ, da mỏng như lụa tím, thịt trắng sáng như băng tuyết, nước ngọt hơi chua như cơm rượu. Nếu rời cành một ngày thì đổi sắc, hai ngày thì đổi hương, ba ngày thì đổi vị (có thể bị thối). Theo các nhà Đông y, quả vải có thể dùng làm thuốc điều khí mạch, chữa mụt nhọt, đau răng, hay bị nấc cụt, chữa hòn dái trẻ con sưng đau, và làm thuốc bổ máu. Ở miền Bắc nước ta, vải thiều xứ Hưng Yên ngon có tiếng. Trong Đại nội Huế, ngày xưa cũng có giống vải tiến vua rất ngon. Ngày nay giống vải có nhiều loại và được trồng khắp cả nước.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng cây vải vào Huyền đỉnh.
Xa
Xa, tức là xe(49), theo hình chạm trên đỉnh thì đây là xe bốn ngựa kéo (xe tứ mã), buổi đầu phương tiện này chỉ dành riêng cho nhà vua, hoàng gia, hoặc quan nhất, nhị phẩm được ủy thác mệnh vua; loại xe thượng hạng này được chế tạo vào cuối triều Gia Long, đầu triều Minh Mạng, có dáng dấp hơi giống của xe ngựa phương Tây. Đầu thế kỷ XX, khi người Pháp đặt nền đô hộ, nhiều người vẫn còn sử dụng loại xe này.
Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng loại xe bốn ngựa kéo này lên Huyền đỉnh.
(49). Sách 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế, Nxb Trẻ, (2009) chú thích xe (tứ mã) này chạm ở Anh đỉnh. Kiểm chứng thực tế chúng tôi thấy hình này khắc ở Huyền đỉnh.
Hồng
Hồng, tức móng, tục danh là cầu vồng. Do hiện tượng khuếch tán hơi nước mà người ta thường thấy nguyên, hay một nửa hình cầu, hay chỉ một phần những sắc màu rất đẹp vắt vòng cung ngang một góc chân trời xa xôi. Theo kinh nghiệm dự báo thời tiết của dân gian có từ xa xưa, khi người ta thấy ở “chân trời xuất hiện cầu vồng”, thì chắc chắn thời tiết sẽ có thay đổi và thay đổi nhanh. Ca dao có câu: Cầu vồng móng cụt, chẳng lụt thì mưa. Đây là hiện tượng tự nhiên của trời đất, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng cầu vồng lên Huyền đỉnh.
Ngũ Diệp Lan
Ngũ Diệp Lan, tục danh lan năm lá, còn gọi hoa ngọc lan, bạch ngọc lan, bạch lan, thuộc họ ngọc lan. Cây ngọc lan dễ trồng, trưởng thành rất nhanh, thân to cao; trồng chừng hai, ba năm cây đã ra hoa; hoa chưa nở có hình tháp bút; thường nở rộ vào mùa hè, khi nở hoa có chín cánh, sắc trắng và hơi biêng biếc, hương thơm ngào ngạt, lan rộng cả vùng, một cuống một hoa đều đóng trên đầu ngọn cành. Loại hoa ngọc lan này được người ta lấy nhiều để cất tinh dầu chế nước hoa. Ngày trước, khi chưa có kỹ thuật chế biến nước hoa, thì ngọc lan là một trong những loài hoa được các cô gái ở các nước Đông Nam Á lựa chọn để mang theo trong người hoặc cài lên tóc, hoặc kết thành vòng quàng lên cổ, mượn hương và sắc của ngọc lan để tô điểm cho nhan sắc của mình thêm phần trang nhã, quí phái hơn.
Theo các nhà y dược, hoa ngọc lan được lấy để bào chế thành dược liệu dùng làm thuốc chữa bệnh ho, chữa long đàm và lợi tiểu. Lá của hoa ngọc lan được rửa sạch, giã nát đắp chữa trị ung nhọt và sát trùng rất có hiệu quả.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng cây hoa ngọc lan lên Huyền đỉnh.
Thông tin liên quan: >> Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 42 |
Nguyên ngày xưa, loại hoa ngọc lan được trồng nhiều ở vùng xứ nóng phương Nam, các nước quanh khu vực như Lào, Campuchia, Myanma, Thái Lan... Ngày nay ở vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định và các tỉnh phía nam Trung Bộ... ngọc lan được trồng rất nhiều ở trong khuôn viên của đình chùa miếu vũ, các nhà thờ họ và ngay các công sở vườn rộng cũng có trồng. Hoa ngọc lan không chỉ là loài hoa có hương và sắc được thế gian ưa chuộng, mà những người tu hành, tín chúng đạo Phật còn dùng để dâng cúng chư Phật, Bồ Tát, tổ tiên, thần thánh trong các dịp Đản sanh hay ngày sóc vọng. Có nơi người ta hái dâng cúng thường ngày. Do tính chất tinh diệu của hương và sắc mà nhiều nơi người dân kiêng trồng cây ngọc lan tại các vườn nhà ở, vì họ tin rằng, mùi hương thơm lạ của ngọc lan rất có sức quyến rũ nên ma quỉ thường thích trú trên cây đó.
(Còn nữa)