Tuy được cho là hành vi bồng bột nhưng hậu quả thì thật đáng tiếc. Hơn 15 tấn mía, 3 xe kéo bị cuốn trôi; 18 trạm bơm điện và hàng chục ha hoa màu bị dấn chìm. Thiệt hại ước tính trên 300 triệu đồng. Rất may có hơn 10 người dân đang làm việc gần đó kịp thời bỏ chạy, bằng không hậu quả sẽ rất lớn. Hồ chứa nước Suối Vực có dung tích 10,5 triệu m3, cấp nước tưới cho 800 ha lúa, hoa màu và nước sinh hoạt cho người dân các xã Sơn Nguyên, Suối Bạc. Sự cố vừa qua đã làm thất thoát hơn 2 triệu m3 nước. Đây là khu vực thường xảy ra hạn hán, nếu không có mưa để bù lại thì công việc tưới tiêu cũng như cấp nước sinh hoạt trong mùa nắng nóng tới sẽ gặp không ít khó khăn.

Hiện cả nước có hơn 6.648 hồ chứa nước, với dung tích hơn 11 tỷ m3; chức năng là thủy lợi, thủy điện hoặc vừa thủy lợi vừa thủy điện. Hồ chứa trên địa bàn Thừa Thiên Huế tuy không nhiều, song quy mô của một số hồ lại rất lớn. Hồ Tả Trạch được cho là lớn nhất Việt Nam hiện nay, dung tích 650 triệu m3, cao trình đập lên đến 56 m, dài hơn 1.100 m. Cuối năm 2015 cũng đã xảy ra một trò đùa tai hại, khi một thanh niên 27 tuổi đăng thông tin trên facebook rằng hồ Tả Trạch sắp vỡ, khiến người dân xã Thủy Bằng và một số địa phương vùng hạ du ban đêm khiêng đồ đạc, dìu nhau chạy tán loạn lên núi cao. Rồi một thông tin khác cho rằng, đập thủy điện Hương Điền bị mội ở bên dưới, cũng làm người dân trong khu vực hoang mang…

Điều này cho thấy, đại đa số người dân rất lo sợ về sự cố các hồ chứa không may xảy ra. Trong quá trình chung sống lâu nay, chính quyền địa phương và người dân đã không ít lần bức xúc khi thủy điện đột ngột xả lũ gây ngập úng, thiệt hại cho sản xuất, chăn nuôi. Đành rằng, không có những hồ chứa nước thủy điện, khi nước ở thượng nguồn đổ về nhiều thì vẫn xảy ra lũ lụt; song vì đây thuận theo lẽ tự nhiên, thường kèm theo mưa to gió lớn, có thời gian để người dân chủ động ứng phó.

Thời gian gần đây, quy trình vận hành liên hồ chứa đã được các đơn vị khai thác trên địa bàn áp dụng; theo đó, quy trình thông báo, cảnh báo, lệnh vận hành… đã được tuân thủ, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho vùng hạ du sau mỗi lần tiến hành xả lũ. Điều quan trọng nữa là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các hồ đập, thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình để có biện pháp khắc phục. Tăng cường công tác bảo vệ, an ninh tại các công trình; tuyên truyền vận động người dân có ý thức, thái độ ứng xử hợp lý đối với các hồ chứa, nhằm hạn chế những sự cố đáng tiếc như từng xảy ra.

Đặng Thành