Quan Tượng Đài hiện nằm ở điểm giao nhau giữa đường Ông Ích Khiêm và đường Tôn Thất Thiệp - TP Huế. Di tích này được triều Nguyễn xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 8 (1827), có chức năng chính là xem thiên văn, khí hậu, quan sát các hiện tượng thiên nhiên để dự báo thời tiết, làm lịch… Những kết quả dự báo từ Quan Tượng Đài đã chứng minh sự quan tâm của triều đình nhà Nguyễn đối với đời sống xã hội và là một bước tiến rõ rệt về khoa học kỹ thuật thời bấy giờ. Đầu thế kỷ XX, khi người Pháp lập đài khí tượng cho khu vực Đông Dương, việc sử dụng Quan Tượng Đài không cần thiết nữa và di tích trở thành chứng nhân lịch sử.

Từ nền Quan Tượng Đài nhìn qua cầu Bạch Hổ

Quan Tượng Đài có hai phần chính là nền đài và đình Bát Phong. Trải qua thời gian và những ảnh hưởng của chiến tranh, các hạng mục kiến trúc chính ở di tích Quan Tượng Đài đều đã bị triệt giải, trở thành phế tích. Theo kết quả khảo cổ học, vị trí nền đài của di tích Quan Tượng Đài nhìn ra phía Tây Nam (cầu Bạch Hổ). Từ đây nhìn rất rõ núi Kim Phụng và chếch về phía Đông là núi Ngự Bình. Xung quanh nền thượng đài có xây dựng một hệ thống lan can theo kiểu ô hộc, có bổ trụ và có trụ ở 4 góc bằng gạch vồ, vữa truyền thống. Đình Bát Phòng là một ngôi nhà hình bát giác cột bằng gỗ, mái lợp ngói ống men, không có tường bao quanh. Mái đình chia làm hai tầng theo dạng cổ lầu. Tầng trên có 4 mái, tầng dưới 8 mái. Phần cuối của các bờ quyết đều có trang trí hình con giao, về kiểu dáng đình Bát Phong trên di tích Quan Tượng Đài có hình thức kiến trúc giống với Đình Điếu Ngư – Lăng Minh Mạng và gần giống kiến trúc hai nhà Bát Giác trước điện Kiến Trung hiện nay. Tư liệu lịch sử cho thấy, khoảng giữa năm 1914, Quan Tượng Đài và đình Bát Phong vẫn còn nguyên vẹn. Năm 1949, qua bức ảnh tư liệu của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khoa Lợi, hiện lưu giữ tại phòng Nghiên cứu Khoa học - Trung Tâm BTDTCĐ Huế, thì kiến trúc Quan Tượng Đài còn khá tốt. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, toàn bộ các hạng mục kiến trúc của di tích Quan Tượng Đài nay đã bị triệt giải trở thành phế tích. Nền đài cũng bị đào xới.         

 
Quan Tượng Đài trong lịch sử          
 

Hình ảnh trong thiết kế phục hồi

Theo thiết kế công trình, ngoài việc tu bổ, phục hồi nền đài và đình Bát Phong, Trung tâm Bảo TDTCĐ Huế còn tôn tạo thêm hạ tầng kỹ thuật để phát huy giá trị của di tích, gồm hệ thống thoát nước, chống sét... Công trình được thực hiện tốt sẽ tạo thêm một điểm tham quan hấp dẫn du khách gần xa khi đến với Hoàng thành Huế và tôn thêm vẻ đẹp của khu vực phía Nam Kinh thành.

Đồng Văn