Bác Hồ không chỉ giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên bằng lời nói mà còn bằng chính tấm gương sống của bản thân mình. Người suốt đời tự rèn luyện, tu dưỡng và lúc nào cũng nghiêm cẩn khép mình vào đạo đức. Tấm gương đạo đức của Người là tuyệt vời trong sáng và toàn vẹn.

Ở Bác, lời nói luôn đi đôi với việc làm. Năm 1945, sau Cách mạng Tháng Tám thành công, nạn đói đang đe doạ đồng bào miền Bắc nước ta. Cùng với các biện pháp khuyến khích tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm, Bác Hồ kêu gọi nhân dân cả nước: “Mười ngày, nhịn ăn một bữa, một bữa một bơ” và dùng số gạo tiết kiệm đó cứu giúp những người thiếu đói. Chính Bác cũng thực hiện như vậy. Một hôm, Bác phải đi dự tiệc của tướng Tiêu Văn (Trung Quốc). Và suất gạo bữa đó đã được bỏ vào quỹ cứu đói. Tuy vậy, Bác vẫn đề nghị “nhịn bù” vào bữa ăn tới. Bác nói: “Mình khuyên dân mười ngày, nhịn ăn một bữa, mà chính đến ngày nhịn, mình lại cứ chén thì nghe sao được?”.

Bác vận động nhân dân chống hạn, úng, thì chính Bác trực tiếp tham gia cùng nhân dân tát nước chống hạn. Bác khuyên cán bộ Đảng và Nhà nước phải gần gũi với nhân dân. Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, tuy Bác bộn bề công việc, nhưng Bác luôn tìm cách đến với nhân dân, hỏi dân những chuyện Bác muốn biết và lắng nghe những chuyện dân muốn nói.

Đã có lần Bác dạy: Hô hào người ta tiết kiệm thì trước hết mình phải tiết kiệm trước đã. Một chiếc phong bì, Bác sử dụng được hai lần. Việc đáng tiêu thì hàng nghìn, hàng vạn cũng tiêu, việc không đáng tiêu thị một xu, một cắc cũng không tiêu, bởi vì, đồng tiền ấy ở đâu ra, đều do nhân dân đóng góp mà có. Cho nên, tiết kiệm trong chi tiêu, trong sử dụng công quỹ chính là sự góp phần làm cho mọi người đều có cơm no, áo ấm và được học hành.

Bác luôn căn dặn cán bộ các cấp: Làm cán bộ để phục vụ cho dân cho nước, chứ không phải để làm quan. Phải gương mẫu chấp hành luật lệ của Nhà nước, quy định của tổ chức để làm gương cho mọi người. Không được thu vén cá nhân, tự tạo ra những đặc quyền đặc lợi cho riêng mình.

Lời nói đi đôi với việc làm, tư tưởng gắn liền với hành động, đường lối, chủ trương, chính sách gắn liền với thực hiện là điều rất quan trọng đối với nhà chính trị để tạo lập được niềm tin trong nhân dân.

Một trong những phẩm chất lớn về nhân cách của Bác Hồ là Bác nói như thế nào thì Bác làm đúng như vậy. Tấm gương nói đi đôi với làm của Bác làm cho lời khuyên bảo, dặn dò của Người có sức mạnh to lớn trong việc giáo dục cán bộ, đảng viên. Đó cũng là một đặc điểm nổi bật trong đạo đức Hồ Chí Minh.

“Nói đi đôi với làm”, nhưng là làm có hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân. Đó là một nội dung trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính vì lẽ đó, Bác khuyên cán bộ, đảng viên ra sức học tập chính trị, văn hóa, kỹ thuật, nghề nghiệp và học ở mọi nơi, mọi lúc, học ở mọi người, học suốt đời, “học để làm việc, làm người, làm cán bộ”.

Hiện nay, vẫn còn có những người nói nhiều làm ít. Có người nói một đằng, làm một nẻo, làm ngược lại điều mình nói. Có người nói cho người khác làm, còn bản thân mình thì “đánh trống, bỏ dùi”, hứa hươu, hứa vượn, vô cảm trước những bức xúc của người khác.

Có người nói rất hay về chống tham ô, lãng phí, nhưng trong việc làm thì lại lãng phí tiền bạc, của cải của Nhà nước, thậm chí còn tham ô, bớt xén của công. Có người khi nói đến đường lối, chính sách của Đảng thì nói rất đúng, nhưng khi chấp hành thì lại tùy tiện, làm được đến đâu hay đến đó. Có người kêu gọi mọi người phải tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, phải hết mực kính trọng nhân dân, nhưng trong hành động thì lại có thái độ quan liêu, hống hách với dân. Có người khi nói thì đề cao tính tổ chức, tính kỷ luật, nhưng trong thực tế thì lại không nghiêm khắc với bản thân, không tôn trọng kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Có người luôn luôn nhấn mạnh phê bình và tự phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, nhưng bản thân lại không thích người khác phê bình mình…

Lời nói, đặc biệt là việc làm của cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý luôn được nhân dân theo dõi, coi là khuôn mẫu. Mỗi cán bộ phải thật sự là tấm gương mọi mặt cho quần chúng noi theo. Nếu cán bộ kêu gọi nhân dân cần, kiệm mà mình lười biếng, sống xa xỉ, lãng phí thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích.

Lời nói chỉ có tác dụng khi nó được quán triệt trong hành động thực tế, bằng những việc làm cụ thể. Chính vì vậy mà cuộc sống đòi hỏi, bên cạnh lời nói còn phải có việc làm nữa. Và chỉ có bằng những việc làm thực tế, những hành động gương mẫu của chính mình, thì lời nói của mình mới có sức thuyết phục cao.

“Nói đi đôi với làm” là một nội dung đạo đức truyền thống của dân tộc, và là một tiêu chí hàng đầu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Chiến Hữu-Văn Chính