Khởi nghiệp với 1.000 USD

Biết về Lê Xuân Phương từ thời tôi còn học cao đẳng sư phạm (năm 2007), lúc ấy, anh nổi tiếng với việc cưu mang nhiều thế hệ học trò nghèo gốc Quảng Trị. Nhìn chàng thanh niên giản dị này ít ai có thể nghĩ đây là một trong những ông chủ trẻ thành đạt có tiếng trên đất Huế hiện nay.

Giám đốc Lê Xuân Phương (thứ 2 từ trái sang) tại bar DMZ. Ảnh: Kim Oanh

Sinh ra tại vùng đất Quảng Trị nắng gió, gia đình nghèo khó nên ngày nhận giấy báo đậu đại học, cũng là ngày Lê Xuân Phương lặn lội ngược xuôi tìm việc làm thêm trên đất Huế kiếm tiền tự nuôi thân và trang trải cho việc học tập. Với chuyên ngành ngoại ngữ, anh xin vào làm việc tại các nhà hàng, khách sạn chuyên phục vụ khách nước ngoài để nâng cao khả năng giao tiếp.

Một người bạn học của anh kể rằng: “Ngày đi học, Phương “quê chính hiệu”, lúc nào cũng đôi dép tổ ong, áo trắng, quần xanh… Sau giờ học lại tất tả đi làm thêm. Khái niệm nghỉ ngơi với con người ấy dường như quá xa xỉ. Ấy thế mà lúc nào thành tích học tập cũng cao nhất, nhì lớp, các hoạt động của một lớp trưởng, bí thư chi đoàn, tham gia CLB nói tiếng Anh đều chu toàn hết”. có lẽ tính chịu thương chịu khó ấy đã giúp cậu học trò nghèo biết phấn đấu, học hỏi vươn lên trong cuộc sống.

Tốt nghiệp đại học, hai năm liền gắn bó với công việc lễ tận tại khách sạn Thuận Hóa, nhưng trong lòng người thanh niên nghèo ấy luôn băn khoăn một nỗi lo, “làm sao có thể sống với đồng lương lễ tân ít ỏi”. Nghĩ rồi làm, anh từ bỏ công việc lễ tân và xin làm việc cùng lúc nhiều nơi khác nhau từ Trưởng phòng du lịch của Công ty Mai Linh Huế đến tổ chức tour du lịch xe đạp tới các làng nghề cho du khách nước ngoài …

Làm việc quần quật một thời gian đến khi gom góp được số vốn gần 1.000 USD, anh quyết định mở nhà hàng chuyên phục vụ cho khách nước ngoài. Lê Xuân Phương trải lòng: “Nhận thấy Huế chưa có nhà hàng nào phục vụ các món Ý nên mình quyết định đầu tư mở nhà hàng tại số 2A, Võ Thị Sáu. Ít vốn, anh phải tự xoay xở, sửa chữa, trang trí lại nhà hàng, vừa quản lý nhà hàng vừa làm việc tại công ty Mai Linh, tổ chức tour để lấy thêm kinh nghiệm. Sau một thời gian đi vào hoạt động, nhà hàng Ý với tên gọi Little Italia trên đường Võ Thị Sáu dần tạo được thương hiệu, nhiều người cứ nhắc đến món Ý là nhớ ngay Little Italia. Đó là công đầu tiên của chúng tôi khi xây dựng thương hiệu”. Sau sự thành công của Little Italia, anh chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khách sạn, bắt tay vào quản lý nhà nghỉ Dormitory và mua lại Bar DMZ của một người bạn. Sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, doanh thu của DMZ đã trở thành niềm ao ước của nhiều người.

Từ tầm nhìn đến chiến lược

Theo quan niệm của Lê Xuân Phương, muốn mở rộng kinh doanh cũng như đưa công ty ngày một đi lên, người lãnh đạo phải có tầm nhìn chiến lược. Không chỉ là tầm nhìn ngắn hạn trong một vài năm mà là năng lực nhìn xa đến tương lai để có thể lập kế hoạch dài hạn.

Việc mua lại Bar DMZ là một minh chứng rõ nhất cho tầm nhìn chiến lược của chàng doanh nhân trẻ. Thời điểm lúc bấy giờ, Bar DMZ chỉ có sức chứa khoảng 40 người và có giá trị khoảng 30.000 USD. “Khi đề xuất ý tưởng này, tôi không nhận được bất cứ sự đồng tình của gia đình, bạn bè, nhiều người bảo tôi “khùng”… nhưng tôi vẫn quyết định mua và cải tạo lại Bar DMZ. Và hiện nay Bar DMZ được thiết kế đúng nghĩa từ “Demilitarized Zone” là vùng phi quân sự, với cách bài trí rất độc đáo. Nhờ sự táo bạo trong quyết định mua và cải tạo lại Bar DMZ, Lê Xuân Phương đã đưa Bar DMZ lên mốc giá trị 50 tỷ đồng.

để hoạch định chiến lược phát triển, Lê Xuân Phương chủ trương các đơn vị nằm trong chuỗi thương hiệu DMZ hàng tháng, hàng quý, năm đều xây dựng chiến lược kinh doanh và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu mình đã đề ra. Vì theo anh, nếu các nhân viên hiểu tầm nhìn chiến lược và mục đích của công ty sẽ có tỉ lệ thành công tốt hơn nhiều so với nhân viên chỉ làm việc được giao. Vì thế, người chủ công ty phải chia sẻ tầm nhìn chiến lược với nhân viên để cho họ có thể gióng thẳng mọi thứ họ làm tương ứng với tầm nhìn chiến lược và chiều hướng của công ty”. Nhờ có tầm nhìn và biết hoạch định cho mình chiến lược dài hơi, từ 1.000 USD ban đầu, Lê Xuân Phương đã gây dựng sự nghiệp với chuỗi thương hiệu DMZ giá trị lên đến 2 triệu USD.

Không chỉ tập trung phát triển kinh doanh, Lê Xuân Phương còn tập trung nâng cao đời sống nhân viên. Lê Xuân Phương nói chắc nịch “Công ty DMZ sẽ phấn đấu trở thành đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh trong vấn đề chăm sóc, nâng cao đời sống nhân viên”. Ngoài chế độ lương, đóng bảo hiểm cho nhân viên theo đúng quy định, công ty còn đóng các khoản bảo hiểm nhân thọ cho các nhân viên lâu năm, chế độ nghỉ đặc biệt nhân ngày phụ nữ Việt Nam dành cho nhân viên nữ, cho vay mua nhà…

Nói đến hướng đi sắp tới của Công ty DMZ, vị giám đốc trẻ chia sẻ, hiện Công ty DMZ đang xúc tiến các hoạt động mở rộng kinh doanh tại Canada và cũng có một vài doanh nghiệp trong nước đang đặt vấn đề mở rộng thương hiệu DMZ trên phạm vi cả nước. chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố, phát triển thương thiệu DMZ đưa Công ty DMZ trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu toàn tỉnh về chăm sóc đời sống nhân viên đồng thời, sẽ tập trung chia sẻ lợi nhuận kinh doanh, tạo điều kiện cho nhân viên nâng cao đời sống.

Hoàng Loan