Sự ra đời và phát triển nhanh của các nhiều DN dệt may hơn 2 năm trở lại đây đã kéo theo sự bùng nổ về nhu cầu lao động trên địa bàn. Theo BQL các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2010, các DN ở KCN Phú Bài và Phong Điền đã tuyển dụng 1.305 lao động. Hiện, nhu cầu lao động cần thêm khoảng 2.000 người, nhưng mới tuyển được 280 người. Nếu trước đây, nhiều lao động trẻ phải “khăn gói” vào các tỉnh phía Nam để tìm việc, thì nay mọi chuyện đã xoay chiều. Nhiều DN ở Huế và các thị trấn, huyện lỵ đang cần một lượng lớn lao động; nhưng không ít người lao động quay lưng trước các thông tin tuyển dụng hoặc đã được tuyển dụng.

Một số ý kiến cho rằng, đó là do bất hợp lý về cung cầu, những bất cập trong đào tạo nghề, ý thức của người lao động... Theo chúng tôi, nguyên nhân cơ bản là do thu nhập và đãi ngộ đối với người lao động chưa thoả đáng. Hiện, mức thu nhập bình quân của người lao động ở một số ngành và DN quá thấp. Chỉ với khoảng 1,2 đến 1,5 triệu đồng/tháng, thì làm sao người lao động đủ sống để yên tâm làm việc? Thêm vào đó, không ít “ông chủ” vẫn còn “bệnh coi rẻ” người “làm thuê” như khi còn khan hiếm việc làm, khiến nhiều người càng quyết tâm “dứt áo ra đi”.
 
Chúng tôi không mấy ngạc nhiên khi giám đốc một DN gia công hàng xuất khẩu cho hay, nhiều lao động trẻ không thiết tha gắn bó hoặc chẳng mấy mặn mà trước thông tin tuyển dụng của các DN. Sau khi tuyển dụng và đào tạo nghề, họ không ngần ngại bỏ việc và “vô tư” nghỉ việc khi có cớ(!) Ông Nguyễn Bá Quang, TGĐ Công ty CP Dệt may Huế cho biết, tuy hoạt động ổn định và thu nhập khá hơn, nhưng Dệt may Huế vẫn luôn quan tâm đến việc “giữ chân” người lao động. 
 
Lâu nay, nhiều DN dựa vào qui định mức lương sàn của nhà nước để trả công cho người lao động. Các DN không hề phạm luật, nhưng họ cũng khó có được cái họ muốn. “Tiền nào của ấy”, một khi giá lao động quá thấp, người lao động không đủ sống, không yên tâm với công việc; thì các DN khó mà thu hút được nhân lực, hoặc thái độ và chất lượng lao động sẽ rất thấp. Việc “tranh GIành lao động” giữa các DN và tình trạng người lao động “nhảy việc” xảy ra trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ cách đây vài năm và đang phổ biến hơn trong ngành dệt may và gia công hàng xuất khẩu. Một số DN lo rằng tăng thu nhập cho người lao động sẽ làm tăng chí phí đầu vào của sản phẩm, dịch vụ... Tuy nhiên, đó là cách nghĩ hoàn toàn sai lầm. Đã đến lúc phải nhìn nhận lại giá của người lao động. Trả công thoả đáng và quan tâm hơn đến đời sống tinh thần của người lao động, đó là cốt lõi của vấn đề.

Hoàng Thành