Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Theo đặc phái viên TTXVN, trong hai tuần công tác, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có hàng chục cuộc hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo nhà nước, chính phủ các nước, trong đó có các cuộc hội đàm, hội kiến cấp cao với Tổng thống Peru Pedro Paplo Kuczynsky, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Cộng hòa Madagascar Hery Rajaonarimampianina, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Chile Michelle Bachelet; các cuộc gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc song phương với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah Mu’izzaddin Waddaulah, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Papua New Guinea Peter O'Neill, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull...; tham dự và có bài phát biểu tại các hội nghị quan trọng trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC, Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ.

Chuyến thăm chính thức Cuba từ ngày 15-17/11 của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thành công tốt đẹp; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba đón tiếp Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân hết sức trọng thị, ấm áp và nồng hậu. Tình cảm này thể hiện truyền thống cũng như mong muốn và quyết tâm của hai bên tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đoàn kết anh em và hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Cuba.

Thành công của chuyến thăm góp phần tiếp tục tăng cường mối quan hệ gắn bó, tin cậy giữa hai nước, đồng thời tạo xung lực mới và mở ra triển vọng tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và dầu tư trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh Cuba có môi trường đối ngoại thuận lợi, đang từng bước tháo gỡ khó khăn, thiết lập môi trường sản xuất, kinh doanh ngày càng cởi mở.

Từ ngày 17-20/11, tại Peru, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu đã tham dự các hội nghị quan trọng trong Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 24: Đối thoại với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, Cuộc họp Cấp cao TPP và Đối thoại Cấp cao với Liên minh Thái Bình Dương...

Chủ tịch nước là khách mời danh dự của nước chủ nhà phát biểu bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit).

Đoàn Việt Nam đã có đóng góp tích cực vào những vấn đề lớn của các hội nghị nhằm củng cố nền tảng vững chắc cho tăng trường chất lượng, bền vững; chia sẻ kinh nghiệm triển khai hợp tác trên một số lĩnh vực có ý nghĩa thiết thân đối với Việt Nam về phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu, kết nối hạ tầng cơ sở, thể chế và con người, trong đó có kết nối tiểu vùng, vùng sâu, vùng xa.

Là chủ nhà APEC 2017, đoàn Việt Nam đã đưa ra ý tưởng về định hình hướng đi cho APEC sau năm 2020 thông qua “Quan hệ đối tác châu Á Thái Bình Dương vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21”; những thông điệp về xây dựng “APEC vì người dân, vì doanh nghiệp”, “phát huy vai trò cơ chế khởi xướng ý tưởng, là động lực tăng trưởng và liên kết” của APEC.

Đoàn Việt Nam cũng đã giới thiệu về chủ đề của năm APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và nhiều sự kiện, hoạt động lớn của APEC sẽ được tổ chức năm 2017. Các nền kinh tế thành viên và doanh nghiệp APEC chia sẻ ủng hộ chủ đề và hướng ưu tiên của năm APEC 2017, khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ, đồng hành với Việt Nam trong tổ chức Năm APEC 2017.

Trong chuyến thăm thăm cấp Nhà nước tới Italy từ ngày 21-24/11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đã được lãnh đạo Italy đón tiếp trọng thị, với nghi lễ cao nhất dành cho chuyến thăm cấp Nhà nước.

Thành công của chuyến thăm tiếp tục thể hiện quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai bên nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Italy đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Cùng với việc khẳng định tiếp tục duy trì trao đổi đoàn cấp cao, các cơ chế hợp tác hiện có giữa các bộ, ngành hai nước, cũng như tại các cơ chế và diễn đàn đa phương, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các nhà lãnh đạo Italy đã trao đổi sâu về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Italy.

Hai bên nêu mục tiêu phấn đấu đưa kim ngạch thương mại từ mức 4,3 tỷ USD hiện nay lên 6 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2018, đẩy mạnh kết nối và hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực Italy có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như chế tạo máy, dệt may, da giày...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thăm Tòa thánh Vatican, hội kiến Giáo hoàng Francis và gặp Thủ tướng Tòa thánh Pietro Parolin.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Giáo hoàng Francis nhấn mạnh việc Giáo hội Công giáo Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, sống tốt đời đẹp đạo, giáo dân tốt là công dân tốt; thống nhất duy trì đối thoại, tiếp xúc giữa hai bên.

Tòa thánh đánh giá cao các thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam và việc Việt Nam lấy ý kiến xã hội rộng rãi trước khi thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Tại Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16, diễn ra từ ngày 26-27/11 tại thủ đô Antananaviro, Madagascar, Đoàn Việt Nam đã có đóng góp tích cực và thực chất trên tất cả các vấn đề lớn của Cộng đồng Pháp ngữ; liên kết những lợi ích sát sườn, thiết thân của Việt Nam với quan tâm chung của Cộng đồng, đặc biệt là thúc đẩy thực hiện Chiến lược kinh tế Pháp ngữ, hỗ trợ các nước đang phát triển hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng...

Qua đây, Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm.

Cộng đồng Pháp ngữ luôn giữ vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam. Việc tăng cường quan hệ hợp tác với Cộng đồng Pháp ngữ là bước triển khai chủ trương nâng cao chất lượng, hiệu quả đối ngoại đa phương mà Đại hội Đảng XII đã đề ra.

Do đó, Việt Nam đã cử đoàn cấp cao do Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu tham gia Hội nghị lần này. Đồng thời, Cộng đồng Pháp ngữ cũng rất coi trọng vai trò và đóng góp của Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang là đại diện duy nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương được mời phát biểu tại lễ khai mạc.

Theo TTXVN