Theo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, hiện cả tỉnh có 891 di tích đã được tiến hành kiểm kê, phân loại; trong đó có 84 di tích đã được công nhận di tích quốc gia, 48 di tích đã được công nhận di tích cấp tỉnh. Qua đợt xét duyệt gần đây nhất, có thêm 4 di tích vừa được UBND tỉnh quyết định công nhận di tích cấp tỉnh.
Việc xét và xếp hạng di tích hằng năm là việc làm cần thiết nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích sau khi được công nhận còn nhiều bất cập. Điển hình như phủ thờ Tuy Lý Vương, được công nhận di tích Quốc gia từ năm 1991 nhưng đến nay, chuyện lấn chiếm, xây dựng trái phép trong khuôn viên di tích chưa được giải quyết dứt điểm. Các di tích khác như Nhà lưu niệm và nghĩa trang Phan Bội Châu, di tích chùa Ba Đồn… sau khi công nhận đến nay, vẫn còn vướng tình trạng người dân ăn ở ngay trong khuôn viên di tích, làm ảnh hưởng đến mỹ quan di tích và quá trình phát huy giá trị. Hay tại di tích Quốc gia tháp Chăm Phú Diên, được đầu tư trên 4 tỷ đồng để bảo tồn nhưng chưa kịp phát huy giá trị thì công trình đã xuống cấp, lại đang phải chuẩn bị tiến hành tu sửa.
Một thực tế là sau khi được công nhận, hầu hết các di tích đều trong tình trạng xuống cấp, nhưng nguồn kinh phí dành cho công tác trùng tu, tôn tạo hàng năm từ ngân sách trung ương và tỉnh lại quá ít ỏi trong khi công tác xã hội hóa phụ thuộc vào ý nghĩa của từng di tích và ý thức của người dân từng địa phương. Không ít di tích do đó, sau lễ đón nhận bằng công nhận rơi vào quên lãng.
Từ thực trạng trên, có ý kiến cho rằng, công tác xếp hạng di tích hiện nay đang chú trọng chạy theo số lượng mà chưa quan tâm đến vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Điều này đòi hỏi việc xếp hạng di tích phải chọn lọc và tập trung hơn. Đặc biệt, những vấn đề nảy sinh trong quá trình quản lý phải kịp thời được xử lý dứt điểm. Nếu không, việc xếp hạng di tích tràn lan nhưng vấn đề hậu xếp hạng lại bỏ ngỏ sẽ dẫn đến những tiền lệ xấu, làm tổn hại đến di tích, làm khó cho cơ quan chức năng trong xử lý và khổ cho người dân sống trong khu vực khoanh vùng bảo vệ.
Kim Oanh