Hồi còn bao cấp, các DN đều trực thuộc các ngành chủ quản và được quản lý với công tác thanh, kiểm tra, báo cáo định kỳ rất chặt chẽ. Từ khi nền kinh tế nước ta bước vào cơ chế thị trường, việc thành lập DN tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn… được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi với những thủ tục đơn giản, nhanh gọn. Theo đó, mỗi năm có hàng ngàn DN ra đời, tạo thêm sự sôi động cho nền kinh tế xã hội. Cùng với việc “khai sinh”, Nhà nước còn tạo môi trường thông thoáng cho các DN thuộc các thành phần kinh tế phát triển…
Tất nhiên, bên cạnh việc “khai sinh”, các cơ quan chức năng có trách nhiệm theo dõi tình hình hoạt động, diễn biến “sức khỏe” của các DN (thường gọi là hậu kiểm) và tiến hành xử lý, “khai tử” DN nếu DN vi phạm pháp luật hoặc không đủ điều kiện hoạt động. Có thể trong bối cảnh lực lượng quản lý của các cơ quan chức năng có hạn, hệ thống DN ra đời ngày càng nhiều, dẫn đến trường hợp quá tải. Từ đó, công tác hậu kiểm các DN dần bị buông lõng. Dù vậy, việc trên 700 DN “không tìm thấy” trên địa bàn Thừa Thiên Huế “bé như bàn tay” này là một “khoảng trống nguy hiểm” trong công tác quản lý.
Thông thường, để được cấp phép đăng ký kinh doanh, DN đều có tên, địa chỉ văn phòng làm việc, ngành nghề kinh doanh, vốn…; đặc biệt là có tên tuổi, địa chỉ, giấy chứng minh nhân dân… của chủ DN. Được biết, pháp luật còn qui định sau khi được cấp phép, các DN phải đăng bố cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng ít nhất là 3 lần. Trong quá trình hoạt động, DN còn chịu sự quản lý của ngành thuế, quản lý thị trường… Vậy nên, chuyện 703 DN “bị mất tích” quả là khó tin! Như đã nói, các DN trên đều có địa chỉ, “có chủ” với đầy đủ tư cách pháp nhân. Những “ông chủ DN” này “hiện hữu bằng xương bằng thịt” nên đâu dễ “bốc hơi”(?!). Mặt khác, qua kiểm tra, nếu thực tế thấy DN không còn hoạt động mà chỉ là “hữu danh vô thực” thì cơ quan chức năng cần tiến hành các thủ tục “khai tử” và công báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để vô hiệu hóa sự tồn tại của nó. Sao lại để nhiều DN “không tìm thấy” như thế?!
Những năm qua đã xảy ra trường hợp một số DN tư nhân mua hóa đơn đỏ, rồi bán lại cho các DN khác “phù phép” nhằm chiếm đoạt thuế giá trị gia tăng trong thủ tục hoàn thuế, thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa… Không ít DN tư nhân lợi dụng danh nghĩa tổ chức đưa người đi xuất khẩu lao động để chiếm đoạt tiền; hoặc mua hàng, tiến hành các thủ tục hợp đồng kinh tế… để lừa đảo. Hậu quả sẽ khó lường đằng sau 703 DN được cho là không tìm thấy nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng “khai tử” và công bố rộng rãi nói trên.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”!
Hoàng Thành