Quả thật, trong rất nhiều chiến lược, quyết sách nhằm nỗ lực đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương, chất lượng giáo dục từ cấp vi mô cho đến vĩ mô luôn là một vấn đề lớn, vấn để nóng mà những người giữ trọng trách ở tỉnh nhà đặc biệt quan tâm và coi trọng.
Điểm nhấn chiến lược ấy cũng là cơ hội và thử thách với giáo dục Thừa Thiên Huế nói chung và những người làm công tác quản lí,lãnh đạo trực thuộc ngành giáo dục nói riêng. Với trách nhiệm chung – một thứ trách nhiệm đã biến thành mệnh lệnh của trái tim là không ngồi yên với những chỉ thị, công văn, những chương trình hành động, những người có trọng trách, đặc biệt là Ban giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã tự thân và liên tục đi cơ sở, không ngại vất vả , nhiều lần đến với những vùng đất mà việc gieo chữ còn khó khăn như Hồng Vân, Thượng Quảng,… để không những chỉ đạo trực tiếp mà còn tâm tình, động viên cả thầy lẫn trò. Ở đây, với sự chân thành, thẳng thắn, đối thoại… mang tính tháo gỡ những khó khăn, tìm một hướng đi chung, những người có trách nhiệm đã tìm được một bệ phóng cần thiết. Bệ phóng ấy, đầu tiên và căn bản xuất phát từ điểm tựa lòng người.
Trước khi bước vào mùa thi THPT, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, TS. Phạm Văn Hùng cùng các cộng sự đã đến tận các trường THPT, đặc biệt là các trường xa xôi hẻo lánh ở miền núi, với những câu chuyện gần gũi nhưng rất hình ảnh, mang nhiều cảm xúc,tạo cho các em học sinh lớp 12 nhiều niềm tin và ước vọng. Chúng tôi cứ nhớ mãi câu hỏi của giám đốc: Các em có nóng không?- rất gần gũi và rất quan tâm.Giữa cái nắng oi nồng của mùa hè cùng với áp lực mùa thi nhưng nhìn những nụ cười rạng rỡ từ phía học trò, thầy cô, ban giám hiệu... mới thấy những buổi nói chuyện của đồng chí giám đốc sở thật sự cần thiết ở thời điểm này.
Động thái ấy như nhắc nhở đội ngũ thầy và cô giáo phải trăn trở trong định hướng xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Bởi một lớp học im phăng phắc đâu có phải là điều mà các thầy cô mong muốn. Một lớp học tích cực là ở đó, trong giờ học tràn ngập tinh thần học tập, học sinh phát biểu sôi nổi và hăng hái đóng góp ý kiến, góp phần xây dựng thành công bài học.
Đánh thức tiềm lực là việc làm không dễ dàng nếu không xuất phát từ trận địa lòng người với những chiến lược và giải pháp cụ thể. Năm 2011, Sở GDĐT đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV về giáo dục đào tạo giai đoạn 2011-2015.
Chương trình hành động với 9 vấn đề và các giải pháp cụ thể, trong đó đề cao giải pháp đổi mới công tác quản lý với những biện pháp khả thi để nâng cao chất lượng dạy và học nhằm vào mục tiêu phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, ngoài tỷ lệ học sinh đỗ cao, Thừa Thiên Huế có nhiều học sinh đỗ thủ khoa không chỉ của Trường Quốc Học mà còn là các em ở những ngôi trường vùng huyện xa xôi như Trường Tam Giang, Hương Vinh, Vinh Lộc, Phú Lộc, Bình Điền, Phong Điền, Hương Lâm, Nam Đông, Hương Thủy... Điều đó cho thấy sự quan tâm của ngành GDĐT trong phát triển giáo dục toàn diện. Bức tranh giáo dục từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp – dạy nghề phát triển khá đồng bộ về quy mô và chất lượng. Nguồn nhân lực làm công tác quản lý đạt chuẩn với tỷ lệ trên 99%. Đội ngũ thầy, cô giáo đạt chuẩn là 99,4%. Cơ sở vật chất trường học được tầng hóa, khang trang hơn, hệ thống trường THPT có đủ quỹ đất để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Trên đà phát triển ấy, chắc chắn ngành giáo dục Thừa Thiên Huế sẽ còn tiến xa hơn góp phần thực hiện thắng lợi Kết luận 48/KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.
Chiến Hữu – Uyên Thi