Nói thế cũng là để hiểu rằng, đất Thần kinh không chỉ có một Văn Miếu. Lưu lại trong sách sử là Văn Miếu đầu tiên của xứ Đàng Trong được xây dựng bởi một vị minh chúa là Nguyễn Phúc Chu vào năm 1691 tại làng Triều Sơn (Hương Sơ, TP Huế) và sau đó là các Văn Miếu ở làng Lương Quán (Thuỷ Biều, TP Huế) và ở làng Long Hồ (xã Long Hồ, thị xã Hương Trà). Còn lại tương đối nguyên vẹn là Văn Miếu Huế xây dựng dưới thời vua Gia Long và tiếp tục được chỉnh tu vào thời các vị vua Nhà Nguyễn tiếp theo, được xem là Văn Miếu của triều đại Nguyễn và cũng là của Quốc gia.
Cầu mong chữ nghĩa hanh thông. Ảnh: Anh Túc |
Đã nhiều lần tôi dạo bước, kính viếng Văn Miếu Huế, còn gọi là Văn Thánh là cách viết tắt của Văn Thánh Miếu, ngôi miếu thờ đức Khổng Tử, người được hậu thế tôn vinh là “Vạn Thế sử biểu”, có nghĩa là “Người thầy của muôn đời”. Nếu di tích có giá trị bậc nhất còn lưu lại hậu thế hôm nay của Văn Miếu - Quốc Tử Giám là 82 tấm bia tiến sĩ mà tấm bia được dựng sớm nhất cách nay đã hơn 500 năm và muộn nhất cũng ngót nghét 250 năm, thì Văn Miếu còn đó hai dãy nhà bia tương đối vẹn nguyên 32 tấm bia, khắc ghi 293 vị tiến sĩ thi đỗ trong 39 kỳ thi Hội, thi Đình tổ chức dưới triều Nguyễn. Khi còn nguyên vẹn, Văn Miếu Huế có gần 20 công trình lớn, như: Văn Miếu (điện thờ), Đông vu, Tây vu, Thần trù, Thần khố, Hữu Văn Đường, nhà Thổ Công, Đại Thành Môn, Văn Miếu Môn, quan Đức Môn, Linh Tinh Môn, la thành, bến vua ngự...
Đan Duy