Những năm qua, khi nguồn điện bị thiếu dẫn đến tình trạng cắt điện phổ biến vào mùa hè, thì EVN đã “đổ” tiền vào các ngành chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, viễn thông với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng trong thời điểm EVN không có đủ vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh điện. Theo số liệu kiểm toán, tính đến hết 31-12-2010, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của EVN lên tới gần 50.000 tỉ đồng, trong đó chiếm gần 90% là vào những công ty con. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận thu về chỉ khoảng 540 tỉ đồng, đạt tỉ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư hơn... 1%. EVN cũng đã đầu tư trên 2.100 tỉ đồng vào bốn lĩnh vực ngoài ngành kinh doanh, chiếm 3,27% vốn chủ sở hữu. Cũng theo báo cáo kiểm toán, năm 2011 EVN lỗ gần 17.000 tỉ đồng, lỗ lũy kế đến 31/12/2011 là 40.400 tỉ đồng. Trước thực trạng trên, Thủ tướng đã quyết định cho thôi chức Chủ tịch hội đồng thành viên EVN đối với ông Đào Văn Hưng. Tuy nhiên, hậu quả thua lỗ của EVN vẫn còn đó.

Nhiều ý kiến cho rằng cơ cấu giá điện cần phải cân nhắc lại, EVN phải chịu sự giám sát, thanh tra kiểm tra thường xuyên hơn, làm rõ các yếu tố tăng giá thành có nguyên nhân từ sự điều hành yếu kém của chính EVN. Ngoài chuyện làm ăn thua lỗ, sự độc quyền của EVN còn ảnh hưởng đến chất lượng sử dụng điện của khách hàng. Bất công thấy rõ nhất là nếu khách hàng chậm nộp tiền điện là bị nhà cung ứng cắt điện; trong khi đó, việc cung ứng chất lượng kém, cắt điện làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt thì chưa thấy cơ chế bồi thường. Và hầu như trong mọi trường hợp, người tiêu thụ luôn chịu thiệt.
 
“Cá lớn nuốt cá bé” là một bất cập khác trong độc quyền của EVN đối với thị trường điện là sự chèn ép về giá mua điện đối với các DN, nhà đầu tư ngoài tập đoàn, khiến hoạt động đầu tư vào lĩnh vực này bị chững lại. Nhiều người cho rằng khó có thể cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong ngành điện, bởi những nhà máy trên 30MW hoàn toàn là Nhà nước, còn doanh nghiệp nhỏ sản lượng rất khiêm tốn họ luôn bị ép để bán giá thấp. Vừa qua khi phát điện cạnh tranh thí điểm, các nhà máy thủy điện nhỏ đã bị EVN ép giá mạnh, giảm xuống chỉ còn 600 đồng/kwh, chưa tới một nửa giá bình quân hiện nay.
 
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều người đồng tình với đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai), khi ông đặt câu hỏi: “Không rõ vì sao ta cứ lấn cấn tách sản xuất và truyền tải ra độc lập? Hiện nay, chúng ta khuyến khích phát triển các nguồn điện ngoài như thủy điện, phong điện nhưng việc mua điện trở lại của EVN là rất khó khăn. Vì cho đến nay, EVN vẫn đang là người mua duy nhất. Tại sao chúng ta không xóa bỏ cơ chế độc quyền của EVN?”.
 
Hoàng Thành