Được chụp ngày 8/6/1972, bức ảnh ghi lại khoảnh khắc cô bé 9 tuổi Phan Thị Kim Phúc, trong tình trạng khỏa thân, với những mảng da bị bom napalm thiêu bỏng. Một ngày sau, ảnh được đưa lên trang bìa tờ New York Times. Bức ảnh mang đến cho nhiếp ảnh gia Nick Út giải Pulitzer danh giá và được xếp thứ 41 trong số 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn.
Trao giải báo chí tỉnh năm 2011. Ảnh: VK |
40 năm sau, trở lại Trảng Bàng-nơi đã giúp Nick Út có được tác phẩm để đời, ông bảo: Đối với ông, có một thứ còn lớn hơn giải thưởng. Đó là bức ảnh, với tính chân thực đến tận cùng của nó, đã lay động lương tri của nhân loại về cuộc chiến phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam.
Ngày 21/6, điều các nhà báo cả nước trông chờ là việc trao giải thưởng báo chí hàng năm. Dù là giải cấp tỉnh hay quốc gia, đó là dịp để vinh danh những tác phẩm, vinh danh những cống hiến thầm lặng của người làm báo. Có những tác phẩm đạt giải mà đằng sau đó, phóng viên đôi khi phải đánh cược cả tính mạng.
Nhưng trên cả giải thưởng, nói như nhiếp ảnh gia Nick Út, điều lớn lao hơn trong mỗi tác phẩm báo chí là tính nhân văn của nó. Bốn mươi năm trước, bằng tấm thẻ nhà báo, Nick Út đã gây mọi áp lực để đưa Kim Phúc và những đứa trẻ bị thương khác từ Tây Ninh vào bệnh viện Barksy (Sài Gòn). Sau 14 tháng điều trị tại bệnh viện và trải qua 17 cuộc phẫu thuật, cuối cùng, Kim Phúc được về nhà. Sau này, cô theo học ngành y, định cư tại Canada và trở thành người nổi tiếng trong lĩnh vực đấu tranh khắc phục hậu quả chiến tranh và kêu gọi hòa bình.
Ngày nay, trên mặt trận báo chí, nhiều nhà báo đang lặn lội đến với cuộc sống. Dù không phải tác phẩm nào cũng đạt giải nhưng niềm vui lớn hơn khi đằng sau những tác phẩm ấy là có nhiều hơn những em bé được hỗ trợ mổ tim, nhiều hơn những cây cầu vượt sông cho trẻ nhỏ đến trường. Ít dần đi những lớp học tranh tre nứa lá, và có nhiều hơn những cái chưa tốt, cái xấu, cái ác bị lên án, được điều chỉnh... Đó chính là phần thưởng lớn nhất dành cho những người cầm bút chân chính.
Kim Oanh