Lâu nay, các tập đoàn, tổng công ty được xem là các “ông lớn”, là đầu tàu của nền kinh tế. Vậy nhưng hiệu quả hoạt động của các đầu tàu này thật đáng thất vọng. Sau Vinashin, Vinalines lại gây sốc với những món lỗ được tính hàng trăm tỷ đồng. Mới đây, dư luận lại bất bình khi Bộ Xây dựng có kiến nghị Chính phủ cho phép Tập đoàn Sông Đà vay từ quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài của Bộ Tài chính để trả nợ cho các khoản vay đầu tư vào xi măng do Công ty CP Xi măng làm chủ đầu tư; trong đó Tập đoàn Sông Đà là cổ đông lớn nhất. Được biết, sau khi đi vào hoạt động, năm 2011 DN này lỗ 581,268 tỷ đồng; năm 2012 lỗ kế hoạch 495,976 tỷ đồng. Trong khi đó, theo kế hoạch trả nợ nước ngoài năm 2012 DN này phải trả các khoản vay nước ngoài do Bộ Tài chính đứng ra bảo lãnh với số tiền hàng ngàn tỷ đồng. Và nay lại đề nghị vay của Nhà nước để tiếp tục trả nợ nước ngoài. Con số thua lỗ của một số tập đoàn, tổng công ty khác cũng từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng.

Theo các chuyên gia kinh tế, số nợ trên 415.000 tỷ đồng của các DNNN đang là “quả bom nổ chậm” đối với các ngân hàng cho vay. Việc tháo ngòi “bom nổ chậm” này như thế nào là một bài toán không dễ. Trong số nợ trên, tính riêng 12 tập đoàn kinh tế nợ nhiều nhất chiếm tới 8,76% tổng dư nợ. Còn tính chung của các DNNN thì lên tới 16,9% tổng dư nợ tín dụng. Trong số nợ của các DNNN, nợ xấu chiếm khoảng 20% - 30%, cũng đủ ăn mòn hết phần vốn tự có của DNNN. Ngoài ra, số tài sản ghi trên sổ sách của DNNN ảo rất lớn, muốn đánh giá đúng cần phải thanh tra.
 
Rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để biện minh cho chuyện làm ăn thua lỗ của các DNNN. Tuy nhiên, các kẻ hở của pháp luật trong quản lý hoạt động của các DNNN chính là “gót chân A-Sin” để DN và không ít người đã lợi dụng nó để làm sai. Một thực tế mà ai cũng thấy là tuy DN khó khăn, thua lỗ, nhưng rất nhiều “ông chủ lớn” giàu lên nhanh chóng và lương, thưởng… của người lao động ở các DN này vẫn “rủng rẻng; nhất là các DN ở “vị thế độc quyền”.
 
Có một loạt câu hỏi được đặt ra xung quanh thực trạng và giải pháp cũng như việc tìm hướng đi mới cho DNNN. Làm thế nào để tái cơ cấu các DNNN khi hiệu quả của bộ phận kinh tế này ngày càng lộ rõ những bất cập, non kém quả là bái toán không dễ. Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất của dư luận là cơ chế điều hành hoạt động của DNNN, vai trò trách nhiệm của lãnh đạo các TGĐ, GĐ DNNN trước hiệu quả hoạt động của DN. Và cuối cùng là vai trò quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng, của bộ máy Nhà nước… Và nếu không “bịt” hết các “kẻ hở” trong cơ chế quản lý và hoạt động của DNNN, thì sau khi tái cơ cấu các “bệnh cũ” vẫn có nguy cơ… tái phát.

Hoàng Thành