Ông Trương Công Nam - Chủ tịch, Giám đốc HueWACO

Theo quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án giá nước sạch và ban hành biểu giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (2016-2018), giá nước sạch bình quân năm 2016 là 8.242 đồng/m3, chỉ tăng 15,3% so với năm 2014, thấp hơn 7,8%/năm so với lộ trình cam kết. Từ 01/8 các năm 2017, 2018 sẽ điều chỉnh tăng 11%/năm (2017 là 9.149 đồng/m3; 2018 là 10.155 đồng/m3, thấp hơn 4 – 5%/năm so với cam kết của UBND tỉnh).

Từ 01/4/2013 đến nay, nước sinh hoạt được tính theo giá lũy tiến. Tuy nhiên, thực tiễn, cho thấy cơ chế giá này còn nhiều bất cập, quản lý nhân khẩu sử dụng nước khó khăn, bù chéo giá nước sinh hoạt ngày càng tăng (năm 2013 là 51,7 tỷ; 2014: 55 tỷ; 2015: 68,4 tỷ), tạo áp lực điều chỉnh giá nước lớn lên các đối tượng phi sinh hoạt, nhất là khối sản xuất và dịch vụ, gây bất bình đẳng trong việc sử dụng và chi trả giữa các đối tượng sử dụng nước. Do đó, từ 01/9/2016, Công ty sẽ thực hiện cơ chế một giá cho nước sinh hoạt: khu vực đô thị được tính 86%, nông thôn là 78% giá thành và sẽ giảm dần mức bù chéo, hướng đến tiệm cận giá thành trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, HueWACO sẽ tiếp tục hỗ trợ giá nước sinh hoạt cho các đối tượng khó khăn, cụ thể: giảm 20% đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số; giảm 15% đối với hộ nghèo còn lại và hộ cận nghèo dân tộc thiểu số.

Phối cảnh Bảo tàng nước và Nhà máy xử lý nước sạch Vạn Niên 120.000 m3/ng.đ (2018) – 240.000 m3/ng.đ (2030)

Giá nước sạch giai đoạn (2016 – 2018) được điều chỉnh, tuy nhiên mức độ điều chỉnh không đáng kể, giá nước sinh hoạt vẫn thấp hơn 14 – 22% giá thành; giá nước cho hộ nghèo và cận nghèo dân tộc thiểu số được giảm thêm 15-20%; chi phí sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh rất thấp so với thu nhập, bình quân chỉ 23.600 đồng/người/tháng (0,3% thu nhập) đối với khu vực đô thị và 14.100 đồng/người/tháng (0,36% thu nhập) ở khu vực nông thôn và hoàn toàn không ảnh hưởng đến khả năng chi trả của người dân (theo nghiên cứu của ADB, giá nước phải bằng 5%/thu nhập mới vượt ngoài khả năng chi trả).

Giá nước điều chỉnh như vậy đã tương xứng với suất đầu tư và chất lượng dịch vụ của công ty hay chưa, thưa ông?

Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên của Việt Nam thực hiện cấp nước an toàn (CNAT) trên phạm vi toàn tỉnh, cả đô thị và nông thôn công bố duy trì thành công CNAT hơn 7 năm qua, được WHO (Tổ chức y tế thế giới) đánh giá là đơn vị điển hình của Việt Nam và khu vực về thực hiện CNAT. Thời gian qua, HueWACO đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước, cung cấp nước an toàn cho 81% dân số toàn tỉnh (đô thị là 95%, riêng TP. Huế đạt gần 100%); khu vực nông thôn đạt trên 70%. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 220.000 người (19%) thuộc các vùng đặc biệt khó khăn vẫn chưa được tiếp cận nước sạch, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới. Đó là thách thức lớn đối với mục tiêu CNAT toàn tỉnh.

Để phát triển cấp nước, đảm bảo CNAT, công ty phải đẩy mạnh đầu tư, tổng tài sản tăng từ 43,68 tỷ (1995) lên 842,9 tỷ, tăng 19,3 lần, các chi phí: quản lý, khấu hao, sửa chữa và duy tu bảo dưỡng tài sản tăng nhanh, ảnh hưởng đến hiệu quả SXKD và đầu tư của công ty. Hoạt động cấp nước nói chung và cấp nước nông thôn nói riêng có quy mô vốn lớn; suất đầu tư cao gấp 3 lần, giá thành cao gấp 2 lần so với đô thị. Trong khi, lượng nước tiêu thụ ít (miền núi: 4m3, nông thôn: 7m3, đô thị: 14m3/hộ/tháng), giá bán thấp bằng 75% giá thành; giá bán cho hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số giảm thêm từ 15-20%. Trong 10 năm qua, đã bù chéo cho giá nước sinh hoạt trên 291,3 tỷ đồng, năm 2015 là 68,4 tỷ đồng; dự kiến trong 5 năm đến là 518,8 tỷ đồng, trung bình 103,7 tỷ đồng/năm.

Trước thực tế, tỷ lệ dân số/diện tích phục vụ rất thấp (241 người/km2), chỉ bằng 15% các đơn vị cấp nước đô thị (1.564 người/km2); bình quân đấu nối chỉ đạt 66 đấu nối/km đường ống, bằng 44% các đơn vị cấp nước đô thị (151 đấu nối/km), lượng nước sử dụng thấp (8,3m3/tháng) bằng 40% các đơn vị cấp nước đô thị…Giá cả vật tư, chi phí đầu vào của sản xuất liên tục tăng, nhất là giai đoạn lạm phát cao (2008 -2011), từ 2013 đến nay giá điện điều chỉnh 2 lần, tăng 9,23%, Công ty đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đẩy mạnh áp dụng kế toán quản trị, kế toán chi phí, tiết kiệm nhân công, hóa chất, điện năng (thấp hơn định mức của Bộ Xây dựng 62%), … nâng cao hiệu quả SXKD và đầu tư, góp phần tích cực giảm áp lực điều chỉnh giá nước. Nhờ vậy, giá nước sạch hiện nay chỉ ở mức trung bình cả nước, thấp so với nhiều địa phương chưa CNAT và chưa phản ảnh đúng chất lượng sản phẩm, dịch vụ được HueWACO cung cấp.

Ông có thể cho biết thêm về tính cần thiết của của việc điều chỉnh giá nước theo lộ trình (2016-2018)?

Dự án cấp nước tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn (2011-2015), có tính đến 2030, được vay vốn ưu đãi của ADB và AFD có hạn mức cho vay lớn (78% tổng mức đầu tư), thời gian trả nợ 25 năm; lãi suất (4,79%/năm), bằng 55% lãi suất vay ngân hàng thương mại (8,7%/năm), giúp tiết kiệm chi phí lãi vay gần 809 tỷ đồng (32,4 tỷ đồng/năm). Dự án có quy mô lớn, thời gian đầu tư ngắn và cần đảm bảo nguồn lực để thực hiện. Để hạn chế việc tăng giá nước đột biến khi đến kỳ trả nợ gốc khoản vay (6/2019), ADB, AFD đã yêu cầu UBND tỉnh cam kết lộ trình điều chỉnh giá nước 15-16%/năm. Tuy vậy, sau hơn 5 năm (2011 - 8/2016), giá nước sạch chỉ được điều chỉnh 2 lần và kể từ lần điều chỉnh gần nhất đến 9/2016, hơn 2 năm giá nước sạch chưa được điều chỉnh, chậm 13 tháng so với cam kết.

Trong điều kiện khó khăn của tỉnh, việc tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng. Công ty tiếp tục nâng cao hiệu quả SXKD, giảm chi phí trong quá trình thực hiện dự án trên 10.700 tỷ đồng (428,4 tỷ đồng/năm); góp phần quan trọng, giúp giảm mức độ điều chỉnh giá nước so với cam kết của UBND tỉnh từ 15-16%/năm xuống còn 11%/năm (2017 - 2018), 9-10%/năm (2019 - 2022) và từ năm 2023 trở đi giá nước sạch sẽ ổn định, chỉ điều chỉnh theo mức độ lạm phát của nền kinh tế. Do vậy, việc điều chỉnh giá nước sạch theo lộ trình là rất cần thiết, nhất là giai đoạn (2016-2018), giúp đảm bảo nguồn lực thực hiện thành công Dự án cấp nước toàn tỉnh.

Hue WACO đã thực hiện những giải pháp nào nhằm đảm bảo cấp nước an toàn, an ninh nước trong điều kiện biến đổi khí hậu?

Thực tế, hệ thống cấp nước của HueWACO hầu hết đã đầu tư trên 20 năm đến 100 năm, được nâng cấp mở rộng qua nhiều giai đoạn, vì vậy thiếu tính đồng bộ. Trong khi, nhu cầu dùng nước tăng nhanh làm cho hệ thống cấp nước trở nên quá tải, không đáp ứng được nhu cầu hiện tại và tương lai.

Trong giai đoạn (2011 – 2015), do vốn vay ADB giải ngân chậm, để đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp nước trên địa bàn tỉnh, công ty đã đầu tư, xây dựng mới Nhà máy Lộc An (8.000 m3/ngày đêm (ngđ)), Lộc Trì (2.000 m3/ngđ), Phong Thu (8.000 m3/ngđ); các tuyến ống truyền tải chiến lược DN400 đến DN1000, cấp nước sạch thêm cho 300.000 người với vốn đầu tư khoảng 540,5 tỷ. Hoạt động các hồ đập, nước thải sinh hoạt làm suy giảm chất lượng nguồn nước để đảm bảo CNAT, công ty đã sử dụng thêm than hoạt tính, soda, cát mangan, polime, tăng định mức xử lý PAC, châm clo bổ sung 3 công đoạn, giảm tốc độ lắng, lọc, …

Tháng 3/2016, nguồn nước sông Hương tại Nhà máy Dã Viên (25.000 m3/ngđ) suy giảm nhanh, công ty đã ngưng khai thác và chuyển thành trạm trung chuyển điều áp (TTCĐA), dự phòng khai thác vào mùa mưa. Đồng thời, đầu tư, nâng cấp mở rộng Nhà máy Quảng Tế 1 từ 30.000 lên 60.000 m3/ngđ; đưa nhà máy Vạn Niên – Quảng Tế đạt công suất (CS) 142.500 m3/ngđ, nâng cao chất lượng nước, đảm bảo CNAT, cùng hệ thống truyền tải chiến lược DN600-1000 được đầu tư (2013-2016), 75% nhu cầu dùng nước toàn tỉnh (TP. Huế 100%) được cung cấp từ nguồn nước Vạn Niên.

Xin ông cho biết mục tiêu của HueWACO trong thời gian tới?

Hiện tại, chúng tôi đã và đang tập trung nguồn lực thực hiện dự án cấp nước toàn tỉnh giai đoạn (2016 – 2020), có tính đến 2030; đảm bảo an ninh nước sạch, cấp nước an toàn và ngon cho trên 91,5% dân số vào năm 2020. Đây cũng là mục tiêu, sứ mệnh lịch sử, là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của HueWACO.

Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh Dự án, theo đó giai đoạn 1 (2017 – 2018) sẽ điều chỉnh thi công tăng từ 480km 710 km đường ống DN 50 – 1200, giúp hoàn chỉnh mạng lưới, mở rộng cấp nước cho 31 phường, xã (10 xã mới) trên địa bàn toàn tỉnh,… giúp cho hơn 86.000 người được sử dụng nước sạch. Giai đoạn 2 sẽ thi công 3 nhà máy mới (Vạn Niên 3: 120.000 m3/ngđ, Hương Vân: 30.000 m3/ngđ, Lộc Bổn: 30.000 m3/ngđ), mở rộng Nhà máy Phong Thu từ 8.000 lên 30.000 m3/ngđ; tiếp tục ngưng khai thác 12 nhà máy ở hạ lưu và Nhà máy Quảng Tế 1 (giảm CS 83.000 m3/ngđ) đưa CS cấp nước đến 2020 đạt trên 320.000 m3/ngđ. Đồng thời, xây dựng mới 12 TTCĐA phân bố đều trên địa bàn tỉnh, đưa tổng dung tích bể chứa và TTCĐA trên toàn hệ thống từ 37.100 m3 lên 208.300 m3 (gấp 5,6 lần), đạt 65% CS thiết kế, đảm bảo an ninh và an toàn cho hệ thống cấp nước; cấp nước trong điều kiện thiên tai, địch họa và các rủi ro khác.

Với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh và Ban chỉ đạo dự án, sự nỗ lực và kinh nghiệm quản lý của HueWACO, tôi tin chắc chắn rằng, dự án sẽ thành công, tỉnh có được một hệ thống cấp nước thông minh, đồng bộ, bền vững, hiệu quả; đảm bảo an ninh nước sạch, cấp nước an toàn và ngon, góp phần tích cực, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, xây dựng Thừa Thiên Huế thành đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; nâng tầm HueWACO lên một đẳng cấp mới, chúng ta tự tin hội nhập khu vực và thế giới.

Xin chân thành cám ơn ông!

Hoàng Loan