Ông Lê Viết Xuân, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông |
Trong bối cảnh báo chí ngày một phát triển, làm tốt công tác quản lý báo chí trên địa bàn tỉnh chính là tạo lập cơ sở, điều kiện cho báo chí phát triển theo xu hướng tích cực, bảo đảm tính khoa học về số lượng, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững ổn định chính trị, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để báo chí hoạt động ngày một tốt hơn, hàng quý, Sở TT&TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức giao ban báo chí, kịp thời định hướng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nội dung thông tin báo chí, tạo được sự chia sẻ đồng thuận trong xã hội...
Báo chí đã thông tin nhanh, đầy đủ các hoạt động, diễn biến đời sống, kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt chức năng là diễn đàn của nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, kịp thời phát hiện và biểu dương những gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến; tuyên truyền có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; năng động tích cực trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác....
Dù không xảy ra trên địa bàn nhưng cũng đã có người hoạt động tại văn phòng đại diện của một đơn vị báo chí trên địa bàn gây ra điều tiếng không hay khi đi tác nghiệp tại các tỉnh bạn. Điều mà chúng tôi muốn hỏi ông là, Sở TT&TT đã biện pháp gì để ngăn chặn những nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp và những nhà báo “dởm”?
Thực tế cho thấy, hiện trên địa bàn tỉnh có một số trưởng văn phòng đại diện chưa qua làm báo, không có thẻ nhà báo, đặt văn phòng đại diện chủ yếu “dọa” các doanh nghiệp để làm quảng cáo; nhiều người giả danh là nhà báo đến tác nghiệp ở các xã, huyện làm ảnh hưởng đến uy tín của các anh em phóng viên, nhà báo....
Để chấm dứt tình trạng trên, hiện Sở TT&TT đang điều chỉnh và rà soát lại danh sách văn phòng đại diện và các phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh. Nếu văn phòng đại diện và phóng viên nào không đủ điều kiện theo thông tư 13 của Bộ TT&TT thì sẽ không chấp nhận.
Đồng thời, Sở TT&TT tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí có văn phòng đại diện và phóng viên thường trú tại Huế. Sau mỗi quý, văn phòng đại diện tại Huế phải báo cáo cho Sở TT&TT tình hình hoạt động của văn phòng mình. Sau khi rà soát, Sở TT&TT sẽ gửi danh sách đội ngũ phóng viên và các điều kiện đủ của một phóng viên khi đến tác nghiệp ở các huyện, xã... trên địa bàn tỉnh. Sở TT&TT sẽ cung cấp số điện thoại, nếu nhà báo nào không có trong danh sách và cũng không đủ các điều kiện khi đến làm việc với lãnh đạo các huyện, xã thì sẽ báo ngay với Sở TT&TT, thanh tra sở sẽ có biện pháp xử phạt theo Nghị định 56 của Bộ TT&TT.
Xây dựng và quy hoạch báo chí trong thời gian tới
Trong điều kiện bùng nổ công nghệ thông tin và xu hướng hội tụ giữa thông tin, viễn thông và Internet, công tác quản lý báo chí không chỉ quản lý những tờ báo trong xã hội thực mà còn phải xác định rõ trách nhiệm quản lý đối với những tờ báo, trang thông tin điện tử. Hiện, trên địa bàn tỉnh có Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Đài Truyền hình Việt Nam tại Huế, Tạp chí Sông Hương, Huế Xưa và Nay, tạp chí Nghiên cứu và Phát triển; 12 văn phòng đại diện của các cơ quan báo Trung ương và 14 trang thông tin điện tử được Bộ TT&TT cấp giấy phép... Thời gian tới, Sở TT&TT rà soát lại tính hiệu quả ở báo in, hình và nói tránh trùng lặp thông tin, hiệu quả thông tin thấp, dẫn đến sự nhàm chán đối với bạn đọc, xem truyền hình.
Hiện, Sở TT&TT xây dựng đề án quy hoạch phát triển báo chí trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và hướng đến năm 2020. Theo đó, sở đề nghị cấp trên xem xét thành lập thêm một số tờ báo, tạp chí: Văn hóa Thể thao và Du lịch, Nhà báo Huế, Giáo dục và Đào tạo nhằm xác lập vị thế của báo chí trên địa bàn tỉnh khi hướng đến Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Thanh Thuận ( thực hiện)