So với lãi suất cao ngất ngưỡng trên dưới 20%/năm trước đây, mức lãi suất 14% (đối với các lĩnh vực ưu đãi) vừa được điều chỉnh quả là một kỷ lục: mức giảm gần 1/3. Giả dụ, DN có mức vay 10 tỷ đồng, trước đây mỗi tháng phải trả lãi vay khoảng 1,8 tỷ đồng, nay chỉ còn khoảng 1,2 tỷ đồng; giảm được 600 triệu đồng. Đây là khoảng “chênh lệch sinh tử” lâu nay đối với DN. Vậy nhưng, qua tìm hiểu mới hay, mọi việc dường như vẫn chưa thể thay đổi ít ra trong ngắn hạn. Giới DN vẫn còn nguyên thế bĩ cực khi lãi vay thực phải ở mức 14+... và điều kiện cho vay vẫn nằm ở “trong tay” các ông chủ ngân hàng thương mại (NHTM) với sự an toàn tối đa luôn được đặt lên hàng đầu. Đó là chưa kể những toan tính khác khi lợi thế luôn thuộc về họ.

Hơn hai năm qua, khi lãi suất tăng cao, nền kinh tế gặp khó khăn, hàng loạt DN đình trệ hoặc “chết lâm sàng”... thì các NHTM vẫn “sống vui, sống khoẻ” nhờ chênh lệch “trời cho” giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Với mức chênh lệch trên 3% thậm chí trên 5%, bất kể lãi suất tăng hay giảm ở mức nào, nhiều NHTM dường như “phất” lên nhanh hơn trong bối cảnh nhiều DN rơi vào cảnh dở sống, dở chết. Hai năm qua, hệ thống các NHTM “mọc” lên ngày càng to, càng nhiều. Lợi nhuận 6 tháng và cả năm được nhiều “nhà băng” công bố ở mức... chóng mặt. Và chuyện “đục nước béo cò” cũng đã lộ diện.
 
Theo một số chuyên gia kinh tế, nếu vào năm 2011, dư luận mới chỉ đặt dấu hỏi về những lợi ích của ngân hàng quá lớn khi các DN gặp khó khăn. Thì đến nay, những lợi ích đó có vẻ như đã lộ rõ hơn khi đã có những thông tin về việc một số NHTM đang tiếp tục kế hoạch mua lại 70-80% cổ phần trong những DN mà họ thèm muốn. 
 
Và nay, theo qui định lãi suất mới, khi mà nhiều DN vẫn chưa được tiếp cận vốn vay ở mức lãi suất giảm, nhưng các NHTM đã được “phần hơn” với mức chênh lệch lãi giữa cho vay và huy động vẫn không đổi, cho dù con số thực của tỷ lệ lãi ở 2 mức đã giảm nhiều. Cụ thể, trước đây lãi suất cho vay và huy động lần lượt là trên dưới 20% và 17%, phần chênh lệch dịch vụ của các NHTM là trên 3%, chiếm trên 1/4 so với lãi suất huy động. Nay lãi suất còn 14% rồi 11%, phần chênh lệch vẫn trên 3%, chiếm trên 1/3 so với lãi suất huy động. 
 
Đã từ lâu, dư luận đề nghị Nhà nước qui định trần cứng lãi suất cho vay; đồng thời thả nổi lãi suất huy động. Thực tế thời gian qua cho thấy, trong khi một số NHTM lớn có tính thanh khoản cao vẫn ung dung trước biến động của lãi suất, nguồn vốn huy động và cả khó khăn của các DN thiếu vốn, thì nhiều NHTM nhỏ tính thanh khoản thấp hoặc mất tính thanh khoản đã chấp nhận đẩy cao trần lãi suất huy động để hút vốn. Thực trạng này sẽ vẫn còn tiếp diễn khi nguy cơ về tính thanh khoản ở một số NHTM gặp khó khăn. Vậy tại sao không để các NHTM cạnh tranh nhau bằng hai hướng: tự giảm lãi suất cho vay (có lợi cho các DN) và nâng cao lãi suất huy động (có lợi cho người gửi tiết kiệm)?!

Hoàng Thành