Bên này là Cồn Tộc, còn bên kia là Vĩnh Tu. Các bến đò này xưa nay là giao điểm đi lại, là nơi vận chuyển giao lưu hàng hoá giữa các địa phương nằm bên phá Tam Giang. Bến đò Vĩnh Tu là nơi mà vào tháng 7/1942, đồng chí Nguyễn Chí Thanh sau khi vượt ngục từ nhà lao Buôn Ma Thuộc đã trở lại Huế tập hợp lượng, củng cố các hoạt động phong trào và đã tổ chức hội nghị cán bộ Đảng của tỉnh tại đây nhằm phổ biến Nghị quyết Trung ương 6 và 8; thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), đồng thời bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 5 thành viên, do đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư.


Bến đò Cồn Tộc. Ảnh: Internet

 

Bến đò Quai Vạc bên sông Bồ lại gắn liền với một câu chuyện lịch sử về anh hùng Đặng Hữu Phổ, một trong những người đứng đầu phong trào Cần Vương tại Huế bị giặc Pháp truy bắt, đem chém ngay tại bến đò này vào ngày 29-8-1885. Tục truyền, tư thế đĩnh đạc, hiên ngang của Đặng Hữu Phổ khi bị hành hình khiến đao phủ run tay phải chém đến 3 lần thì đầu mới lìa khỏi cổ. Chứng kiến cái chết bi tráng của chủ tướng, hai người lính đi theo đã hộc máu chết theo. Còn cảm phục khí phách oai hùng của ông, dân làng cho lập ngay miếu thờ tại nơi ông bị hành hình, gọi là “Thị độc miếu” (miếu của quan Thị độc học sĩ Hàm Lâm Viện Đặng Hữu Phổ). Cũng tại địa điểm bến đò này còn có khu lăng mộ của ông, của mẹ ông là công chúa Tĩnh Hoà và miếu thờ Bà Tơ, một nhân vật huyền thoại từng có công giúp chúa Tiên Nguyễn Hoàng thoát nạn trong một cuộc giao chiến.
 
Là vùng sông nước, có sông Bồ và phá Tam Giang, hình ảnh các bến đò dọc, đò ngang lâu nay đã trở nên quen thuộc đối với Quảng Điền. Trên bến dưới thuyền, bến đò là nơi đi lại, là nơi giao lưu mua bán và hơn thế, với những bến đò như Cồn Tộc, Vĩnh Tu hay Quai Vạc, đó còn là nơi lưu lại những dấu ấn lịch sử, là ký ức khó có thể phai mờ trong tâm trí bao người. Lần đầu tiên bến đò Quai Vạc đông vui và rộn ràng trong lễ tế Bà Tơ mang dấu ấn đặc trung của vùng sông nước và hoài niệm về hành trình mở cõi, buổi đầu Nam tiến của dân tộc. Còn bến đò Cồn Tộc, những ai có mặt trong đêm khai mạc lễ hội “Sóng nước Tam Giang” 2012 hẳn sẽ khó quên hình ảnh những đoàn người trong đêm từ các nẻo đường nườm nượp kéo về. Một sân khấu hiện đại được dựng ngay ở bến đò có bối cảnh sông nước chủ đạo là một ấn tượng không dễ phôi phai.
 
Những bến đò Cồn Tộc hay Quai Vạc hôm nay gắn liền với hình ảnh lễ hội, điểm đến cho những hành trình khám phá những vẻ đẹp và sự bí ẩn của một vùng sông nước huyền thoại. 
 
Đan Duy