Sau những ngày dài mong mỏi, cuối cùng tháng Tám đã ban tặng cho cái dải đất miền Trung rát bỏng gió Lào một đợt mưa mát rượi. Được tắm gội những giọt ngọc thanh trong của trời, cây cối trên mặt đất như bừng lên sức sống mới, mườn mượt sắc xanh. Dường như đã ủ nồng men nắng suốt mấy tháng ròng, giờ là lúc những đám mây xám trút nỗi lòng trĩu nặng. Mưa rớt từng đợt dày mù trắng che mờ cả rặng núi phía xa. Thi thoảng, tiếng sấm giật đùng đùng ý chừng hân hoan lắm. Có mưa là có thêm hy vọng.
Trước mái hiên, mưa rỏ xuống tong tong thành tấm rèm thưa lóng lánh. Bể chứa bị hỏng nên ngoại lật đật mang hết nồi, xoong, xô, chậu đặt dưới mé sân hứng nước mưa. Tiếng mưa lanh canh vui tai đến lạ. Cái giếng khơi bên chái bếp đã trơ đáy mấy tuần nay, sau đợt mưa này sẽ lại dồi dào mạch chảy. Ngoại khum khum lòng bàn tay hứng mưa nếm thử mà gương mặt hằn in vết nẻ chân chim bỗng rạng ngời khó tả. Giọng ngoại run run: “Mưa đúng dịp cây lúa cuộn đòng, vụ này thể nào cũng bội thu hơn vụ trước”.
Mưa ầm ào vần vũ một hồi, khoảng sân đã lênh loang nước. Mấy đứa em thích thú cởi truồng lông nhông chạy ra sân tắm mưa. Nghe điệu cười tưng bừng của chúng hòa lẫn trong khúc mưa rạo rực, tôi bắt gặp hình ảnh của tôi tự những ngày còn chuộng mốt tóc nấm. Thời thơ ấu ấy, chẳng phân biệt trai gái, hễ có mưa là lại rít rít gọi nhau ra sân đùa nghịch, khi thì nô nức đá bóng bằng trái bưởi dưới mưa sa, khi thì trượt cỏ bờ đê đến lem nhem quần áo. Ôi, thuở ấy sao hồn nhiên đến thế?!
Lại nhớ những đêm mưa tầm tã, chàng trai mười bảy tuổi là tôi cầm đèn ra đồng soi ếch. Ánh đèn dập dìu như đốm sao nở bung trong bóng tối. Tiếng ếch nhái nhộn nhịp kêu đang mở hội chào mưa. Cứ cách chừng vài bước chân là chụp được con ếch to bằng bàn tay người lớn. Mưa càng to, nước từ các mương sâu tràn lên càng nhanh. Đám cá rô hăng hái bơi ngược dòng chảy vui chơi rồi bị mắc cạn trên bờ ruộng. Thế là đi soi ếch còn bắt được cả cá. Lòng vui như đứa trẻ được nhận quà.
Bây giờ ngồi ngắm mưa tháng Tám, vẫn hay thương nhớ vẩn vơ. Từ gác xép đưa mắt ra xa, nom một cánh chim gầy bay lạc, chợt mủi lòng viết vội mấy câu thơ: “Phương trời nào còn hơi ấm trao nhau/ Khi tháng ngày an nhiên thành xưa cũ/ Mưa tháng Tám khóc nốt buồn ẩn dụ/ Có cánh chim ướt lạnh nỗi hoang mang…”. Vào những ngày mưa, người ta hằng nghĩ nhiều đến tổ ấm khát khao, đến giấc mơ hồi sinh sau giông gió. Mưa tháng Tám giấu kín nỗi niềm bằng sự trẻ trung. Mưa vẫn rơi, vẫn rơi…
Trong màn mưa lâng lâng, đã nghe chút lạnh miên man buông hờ trên tóc. Mưa tháng Tám vừa là lời tiễn biệt mùa hạ oi nồng, vừa là lời chào cho mùa thu chạm ngõ. Ngoại chuẩn bị tấm chăn chiên mỏng manh ám mùi ẩm mốc, khi đất trời đang vương vấn hơi thu. Rồi đây, sau khi được uống căng bầu mưa tinh khiết, trái nhỏ trong vườn sẽ tròn mọng ngọt ngào. Từng chùm khế, ổi đào, bưởi vừa đậu trái đung đưa hứa hẹn một mâm cỗ đầy cho đêm Rằm sắp sửa.
Thời gian đã làm mọi thứ thay đổi. Những thửa ruộng dần bị bóp nghẹt bằng thuốc bảo vệ thực vật, không còn râm ran tiếng ếch nhái gọi mưa. Cũng chẳng còn nữa cảnh tượng cầm từng cái tô hứng mưa rỉ xuống từ mái nhà dột nát. Đôi khi soi mình vào quá khứ, thấy bụi bặm giả tạo đang phủ trên gương mặt nhỏ nhen. Cơn mưa nào có thể giúp rửa trôi lớp mặt nạ này? Rốt cục, tâm hồn mình cũng giống như một cánh đồng đang vào mùa hạn hán, thèm lắm cơn mưa tưới tắm, vỗ về…
Mưa tháng Tám như dấu gạch nối cho niềm vui mùa vụ và nỗi lo âu bão lũ cận kề. Thương lắm, khúc ruột miền Trung nghèo khó quê mình. Thương lắm, những cơn mưa hãy còn nặng nợ…
PHAN ĐỨC LỘC