Nhấn mạnh những thành tựu của đất nước sau 30 năm đổi mới có  đóng góp to lớn của ngành Ngoại giao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng những thành tựu đó còn ở mức độ khiêm tốn so với mặt bằng chung và nhịp độ phát triển của thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:“Tôi lắng nghe ý kiến các đồng chí, việc gì có lợi cho Tổ quốc, tôi sẽ chỉ đạo thực hiện ngay, khắc phục tình trạng nói không ai nghe, nghe xong không làm đến nơi đến chốn để giải quyết”

Theo Thủ tướng, Việt Nam có quy mô dân số đứng thứ 13 thế giới, nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 38 và thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 133 thế giới, chỉ bằng hơn 1/5 mức trung bình của thế giới; trong khi vẫn hiện hữu nguy cơ tụt hậu kinh tế. Là quốc gia có độ mở lớn và hội nhập sâu rộng, Việt Nam dễ bị rơi vào tình trạng thiếu chủ động và sẽ chịu nhứng tác động từ bên ngoài khi phải đáp ứng những luật chơi tầm quốc tế.

“Chúng ta đang sống trong một giai đoạn mới của thế giới, khi mà các nguy cơ luôn thường trực và khó dự đoán. Điều này đòi hỏi chúng ta phải làm chắc tay hơn nữa, công tác dự báo chiến lược luôn có sự nhạy bén, tinh thần thường trực đối phó với những cú sốc bên ngoài. Ai làm việc đó? Ăng ten và báo cho Đảng, Nhà nước, cho nhân dân chính là ngành Ngoại giao”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cho rằng, phải phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đồng nghĩa với việc thị trường xuất khẩu phải rộng lớn hơn, hàng hóa Việt Nam có mặt khắp thế giới. Các nhà ngoại giao phải năng động, tích cực, đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, phải tham gia chủ động vào các đối thoại chiến lược chính sách, hoạch định luật chơi, sân chơi kinh tế toàn cầu. Không để doanh nghiệp Việt Nam bỡ ngỡ về thông tin và luật pháp ở thị trường quốc tế. Không chấp nhận những việc doanh nghiệp, nhà cung ứng của Việt Nam bị chèn ép, bất công, bị thua thiệt trước các tập đoàn đa quốc gia.

Về phát triển du lịch, Thủ tướng cho rằng các sứ quán, từng cá nhân đại sứ phối hợp với các bộ, ban ngành, tháo gỡ những nút thắt về thể chế, hoạch định những chính sách để trả lời thật tốt 5 câu hỏi. Đó là làm thế nào để khách đến Việt Nam đông hơn; bao giờ thì chúng ta bằng Thái Lan; làm thế nào để khách ở lại Việt Nam lâu hơn, khách chi tiêu nhiều hơn; làm thế nào để khách quay trở lại; làm thế nào để khách kể về những câu chuyện văn hóa, con người và cảnh quan tươi đẹp của Việt Nam. 

Thủ tướng đề nghị trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần thường xuyên suy nghĩ, tìm hiểu cái gì có lợi cho đất nước thì phải báo ngay cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và kể cả gọi điện trực tiếp cho Thủ tướng. “Tôi rất lắng nghe các đồng chí, việc gì có lợi cho Tổ quốc, tôi sẽ chỉ đạo thực hiện ngay, khắc phục tình trạng nói không ai nghe, nghe xong không làm đến nơi đến chốn để giải quyết”, Thủ tướng nêu rõ.

Về nhiệm vụ xây dựng Chính phủ kiến tạo đối với ngành Ngoại giao trong giai đoạn mới, theo Thủ tướng, bài toán lớn đặt ra là làm sao để Việt Nam có thể lái con thuyền của mình giữa những dòng chảy chiến lược của các nước lớn. Cân bằng được lợi ích của các nước lớn, phát huy tối đa thế và lực của đất nước, dựa trên các giá trị cơ bản của hệ thống quốc tế như luật pháp quốc tế và các định chế quốc tế, làm sao để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm lợi ích quốc gia và nâng cao vị thế của Việt Nam. Đây là nhiệm vụ, thách thức chủ đạo đối với ngành Ngoại giao.

Ảnh: VPCP

Để giải quyết bài toán trên, Thủ tướng cho rằng ngành ngoại giao cần tập trung vào 5 vấn đề mấu chốt.

Thứ nhất, cần định hình được những ưu tiên chiến lược của đất nước và xác lập một tư duy chiến lược cho ngành Ngoại giao trong thời kỳ mới. Chúng ta không thể cái gì cũng làm bởi vì nguồn lực, thời gian, và đặc biệt là thời cơ đều có hạn. Đâu là những lợi ích quốc gia cốt lõi trong bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh, phát triển kinh tế - xã hội và phát huy ảnh hưởng của nước ta trên trường quốc tế. Cần xác định đâu là những vấn đề bất biến, không thể xâm phạm, đâu là những lợi ích có thể dung hòa được với các nước khác.

Thứ hai, Việt Nam cần tham gia và đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc xây dựng thể chế của các định chế quốc tế  nhằm tạo ra thế và lực cho đất nước, tiêu biểu là các định chế quan trọng như Liên Hợp Quốc, WB, IMF, ASEAN, ASEM, APEC… Đặc biệt Việt Nam cần đóng vai trò chủ chốt trong xây dựng thể chế ASEAN nhằm hướng tới một cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, thống nhất thực sự, đồng thuận thực sự, hài hòa.

Thứ ba, ngoại giao cần chủ động đề xuất triển khai phối hợp tốt với trong nước. Phải làm cho doanh nghiệp và 63 địa phương ở nhà hiểu rõ hơn các cơ hội về thị trường, đâu là nơi có lợi nhất, đâu là nơi cần để ý, xem xét nhất.

Thứ tư, cần có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất về nhiệm vụ đối ngoại và quản lý đối ngoại. Làm sao để hội nhập sâu rộng mà không mất chế độ, không thay đổi bản chất của Đảng ta, thực hiện tốt Hiến pháp. Muốn vậy không chỉ có ngành Ngoại giao làm công tác đối ngoại mà từng cấp, từng ngành, từng địa phương phải biết làm đối ngoại, chăm lo công tác đối ngoại thuộc phạm vi mình phụ trách.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương nghiên cứu, giao nhiệm vụ cho từng Đại sứ và các thương vụ nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể về những vấn đề nêu trên, coi đây là chỉ tiêu quan trọng đánh giá hoạt động của các cơ quan này, đồng thời cần rà soát các cơ chế, chế độ tài chính nhằm bảo đảm đời sống cán bộ tại cơ quan đại diện ngoại giao, bao gồm cả việc bảo đảm vị thế đối ngoại quốc gia trong các hoạt động đối ngoại, nhất là các địa bàn trọng điểm.

Thứ năm, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, những nhà ngoại giao và cán bộ thương mại phải đại diện một cách chân thực nhất, tối ưu nhất hình ảnh của Việt Nam, lợi ích của Việt Nam ở nước sở tại. “Các đồng chí không phải chỉ là cánh tay nối dài, là tai, là mắt ở trong nước mà các đồng chí chính là hình ảnh Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng giai đoạn mới, tình hình mới sẽ đòi hỏi sự nhạy bén và tinh thần cầu thị, linh hoạt, sẵn sàng chuyển mình để đứng đầu sóng ngọn gió, đưa đất nước tiếp tục ra biển lớn. Ngoại giao là kết nối đầu tiên cho mọi viễn cảnh hợp tác. Nhà ngoại giao chuyên nghiệp của thời đại mới sẽ phải kiêm vai trò là nhà kinh tế, học giả, xúc tiến đầu tư, những nhà văn hóa Việt Nam. Các đại sứ, trưởng đại diện thương mại, các nhà ngoại giao Việt Nam của thế kỷ 21 phải gánh vác trọng trách lớn lao trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, số hóa, mang trong mình vai trò kiến tạo phát triển đất nước trong một thế giới đầy cạnh tranh phức tạp và bất định. Đó là những trọng trách lớn lao không ít gian nan nhưng đó cũng là sứ mệnh cao cả, đáng tự hào mà Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam đang kỳ vọng ở ngành ngoại giao.

Theo VPCP