Đường kẻ và cọc sắt ông Mãng kẻ, cắm trên mái tôn và phần đất nhà ông Dũ

Sự tình

Theo ông Dũ: Sau khi được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng, gia đình ông tiến hành xây dựng nhà trên phần đất được Nhà nước xác lập quyền sở hữu. Ngày 2/3/2016, ông Mãng sang lớn tiếng cho rằng ông Dũ muốn làm nhà phải thương lượng với ông và dùng dao, kềm hủy hoại tài sản của ông Dũ bằng cách tháo dỡ 1 tấm tôn. Ngày 20/4/2016, ông Mãng leo lên mái tôn nhà ông Dũ phun sơn mục đích thay đổi ranh giới. Ngày 1/7/2016, ông Mãng cho người leo lên mái nhà ông Dũ, đục tôn cắm cọc sắt trên đất ông Dũ, đồng thời hàn cọc sát này vào tường nhà ông Mãng với ý đồ giăng lưới làm hàng rào để chiếm đất. Việc này bị công an phường ngăn chặn. Ngày 4/7/2016 UBND, công an phường có buổi làm việc với hai gia đình, kết luận: yêu cầu ông Mãng lợp lại tấm tôn, chùi rửa sạch đường sơn phun trên tôn, tháo dỡ cọc sắt và múi hàn đã cắm trên tôn nhà ông Dũ. Thế nhưng đến nay, ông Mãng vẫn không thực hiện, trái lại còn thách thức khiến ông Dũ phải “kêu cứu” đến cấp cao hơn.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, sự việc bắt nguồn từ nguyên nhân trước đây, khi hai nhà có tranh chấp về đất. UBND phường tiến hành hòa giải, nhưng không thành. Ông Mãng khởi kiện ông Dũ ra tòa để tranh chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ). Trong đơn khởi kiện ngày 27/2/2013, ông Mãng và bà Sung (mẹ vợ ông Mãng) yêu cầu vợ chồng ông Dũ phải trả phần đất lấn chiếm là 13,8m2. Nhưng do thửa đất đã được tách thửa và được UBND TP. Huế cấp giấy CNQSD đất cho bà Sung, ông Mãng và bà Lan (vợ ông Mãng) nên ngày 5/3/2014, ông Mãng thay đổi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu vợ chồng ông Dũ phải trả phần đất lấn chiếm là 3,6m2 (mà vợ chồng ông Dũ đang sử dụng).

Ông Dũ cho rằng: Nguồn gốc đất gia đình ông đang sử dụng do vợ chồng ông nhận chuyển nhượng vào năm 1985. Khi nhận chuyển nhượng, giữa thửa đất của ông và thửa đất của ông Mãng đã có mốc giới, trụ giới còn nguyên vẹn. Ngày 25/1/1995, ông được UBND tỉnh cấp giấy CNQSD đất với diện tích 282m2. Qua nhiều lần Nhà nước tiến hành đo đạc, năm 2007 đo đạc lại thì diện tích đất của ông là 253m2. Căn cứ giấy CNQSD đất và các lần đo đạc với diện tích thực tế hiện nay theo hiện trạng thì đất của ông còn thiếu 17,5m2. “Thẻ đỏ” của ông và của gia đình ông Mãng được cấp năm 1995, ranh giới giữa hai nhà là một đường thẳng. Nhưng năm 2001, khi ông Mãng, bà Lan được cấp “thẻ hồng” thì ranh giới thửa đất không còn là đường thẳng mà là một đường gấp khúc, xiên thâm qua phần đất nhà ông, nên ông không lấn chiếm đất của ông Mãng.

Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ pháp lý, tại bản án sơ thẩm số 25 ngày 17/9/2014 của TAND TP. Huế và bản án phúc thẩm số 41 ngày 19/12/2014 của TAND tỉnh, TAND (hai cấp) quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Mãng. Nhưng xét thấy, vào năm 2000 khi ông Dũ làm nhà, vợ chồng ông Mãng không có ý kiến gì và lúc này ranh giới hai thửa đất cũng chưa được xác định cụ thể. Hiện nay trên phần đất ông Dũ phải trả cho ông Mãng có một phần nhà của ông Dũ. Nếu đập phá phần nhà này thì sẽ ảnh hưởng toàn bộ công trình. Tòa án thấy rằng, cần thiết phải giao QSDĐ có nhà của ông Dũ trên phần đất phải trả cho ông Mãng (phần này có diện tích 1,4m2) cho vợ chồng ông Dũ được sử dụng. Nhưng vợ chồng ông Dũ phải thanh toán lại giá trị QSDĐ này cho vợ chồng ông Mãng theo giá thị trường là 3.220.000 đồng. Từ những lẽ nêu trên, tòa án hai cấp buộc vợ chồng ông Dũ phải giao trả cho ông Mãng diện tích đất là 3,6m2. Trong đó, phải giao trả phần đất là 2,2m2, giao trả bằng giá trị QSDĐ là 1,4m2. Hai bên có trách nhiệm liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh lại diện tích, ranh giới các thửa đất theo quyết định của tòa án.

Cần chấp hành pháp luật

Ông Dũ thi hành án các khoản như tòa tuyên, trong đó có nộp tiền (thanh toán lại giá trị QSDĐ 1,4m2) tại Chi cục Thi hành án TP. Huế, sau đó ngày 17/10/2015 được UBND TP. Huế cấp “thẻ hồng” diện tích đất ở 242,9m2. Ngày 2/12/2015, ông Dũ được UBND TP. cấp giấy phép xây dựng. Quá trình ông Dũ xây dựng nhà thì xảy ra sự việc nêu trên.

Ông Mãng có đơn khiếu nại UBND TP. Huế, cho rằng việc cấp giấy chứng nhận ngày 17/10/2015 cho vợ chồng ông Dũ là không đúng quy định. Ngày 28/7/2016, UBND TP. Huế thông báo về việc thụ lý giải quyết lần đầu, thông báo đơn khiếu nại của ông Mãng được thụ lý giải quyết kể từ ngày 28/7/2016.           

Ông Mãng không đồng ý với quyết định của bản án TAND hai cấp. Cơ quan thi hành án dân sự mang tiền (mà ông Dũ thi hành) đến nhà để giao, nhưng ông không nhận. Ông Mãng cho rằng, tòa án không có quyền bán đất của ông (xử cho vợ chồng ông Dũ được quyền sử dụng 1,4m2, thanh toán lại cho ông bằng tiền). Ông chưa nhận tiền có nghĩa đất vẫn là của ông. Ông kẻ trên mái tôn và đóng cọc sắt (như nêu trên) là để xác định ranh giới. Việc lột 1 tấm tôn là để phóng viên báo chí thấy nhà ông Dũ xây cho thuê trọ là nhà tạm chứ không phải kiên cố. Ông Mãng cho rằng, ông không lấy tiền mà chỉ lấy lại đất. Do đó, ông đã gửi đơn đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án dân sự phúc thẩm số 41 ngày 19/12/2014 của TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có hiệu lực pháp luật. VKSND Tối cao có giấy xác nhận số 421 ngày 4/3/2015, nội dung “sẽ tiến hành xem xét đơn đề nghị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự”. TAND tối cao cũng có nội dung như vậy tại giấy xác nhận số 351 ngày 29/5/2015.

Theo quyết định của tòa án, ông Dũ phải trả lại cho ông Mãng 3,6m2 đất, trong đó giao trả bằng giá trị QSDĐ là 1,4m2 (phần đất ông Dũ đã làm nhà từ năm 2000). Bản án đã có hiệu lực pháp luật, ông Mãng cần chấp hành. Trong khi chờ đợi VKSND, TAND cấp cao có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm hay không, mọi hành động của ông Mãng (liên quan đến việc tranh chấp nói trên) cần phải tuân thủ pháp luật.  

Ông Hoàng Gia Thanh, Chủ tịch UBND phường Thuận Hòa cho biết, phường đã yêu cầu ông Mãng trả nguyên hiện trạng (tức xóa vệt sơn, nhổ cọc sắt xuyên từ mái tôn xuống đất trên phần đất thuộc sở hữu của ông Dũ-pv). Ông Mãng chưa thực hiện nên UBND phường sẽ tiếp tục có biện pháp, yêu cầu ông Mãng thực hiện.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH