Gần dân, nói cho dân hiểu, nghe dân nói là bài học muôn thuở của người cán bộ, đảng viên. Xem lại những thước phim tư liệu về Bác, lúc nào chúng ta cũng thấy hình ảnh của một vị lãnh tụ quá gần gũi với nhân dân, từ trong nhà máy, ngoài ruộng đồng, ở các đơn vị chiến đấu... hình ảnh của Bác làm cho chúng ta xúc động, cảm phục, lòng tin, lòng thương yêu trào dâng.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày nay, cán bộ, đảng viên chúng ta phải thực hiện cho bằng được phong cách, thái độ gần gũi với nhân dân. Dành thời gian về cơ sở, đi sâu, đi sát vào cuộc sống của người dân, lắng nghe dân nói để tổng hợp được nhiều giải pháp, giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, hoạch định những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm phát triển nền kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
 
Trong thực tế, mọi sự sáng tạo đều xuất phát từ thực tiễn, thực tiễn sáng tạo ra và kiểm nghiệm. Thực tiễn chính là người dân. Hiện nay, cả nước đang triển khai học tập Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI. Gần dân, nghe dân nói, nói cho dân nghe là một đòi hỏi bức thiết của công cuộc xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay. Khi chúng ta biết lắng nghe để có hướng lãnh đạo, chỉ đạo thì việc triển khai Nghị quyết T.Ư 4 sẽ thiết thực hơn, tạo niềm tin nhiều hơn trong nhân dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có lần nói: Giữa nghĩ và nói khác nhau, nói và làm lại còn khác nhau nữa, làm lại còn không đến nơi đến chốn thì khi nào Nghị quyết T.Ư 4 mớt đạt được như mong muốn. Cho nên phải lắng nghe. Không chỉ người đứng đầu Đảng bộ tỉnh mà mỗi người dân, cán bộ, đảng viên ở bất kỳ vị trí công tác nào đều phải biết lắng nghe và phản hồi ý kiến. Như thế là sự cầu thị, tiến bộ hơn. Nếu không biết lắng nghe, thấy mình bằng lòng với chính bản thân mình thì rất tai hại.
 
Mới đây, trên Báo Nhân Dân hằng tháng có nêu một hình ảnh người cán bộ gần dân. Nhờ gần dân mà ông đã làm được nhiều việc thuận lòng dân. Đó là hình ảnh, việc làm của Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự. Trong một câu trả lời phóng viên Hồng Minh về những quyết định táo bạo để thành phố di sản Hội An có được gương mặt sáng như hôm nay ông nói: “Khi tôi lên làm Chủ tịch TP Hội An, hình ảnh Hội An còn bề bộn lắm, nhếch nhác lắm, tôi suy nghĩ cái gì làm trước, cái gì làm sau. Đầu tiên là lập lại trật tự vỉa hè. Lập lại trật tự vỉa hè nhưng làm sao dân nghèo vẫn không bị mất chỗ kiếm ăn. Tôi suy nghĩ mãi chưa tìm được giải pháp. Một lần tình cờ ngồi với một cán bộ phường, tôi bàn với anh ấy vào vận động dân, chia đôi cái vỉa hè ra. Những nhà mặt tiền buôn bán thì đừng có nhô cái tủ ra vỉa hè nữa, xe cộ đưa hết vào trong, còn chỗ cho người đi bộ. Hỏi người dân làm vậy có được không? Họ bảo được. Ông nói, bà con đồng ý rồi nhé, bèn kẻ đôi dọc cái vỉa hè. Sau sự việc ông để ý, không ai lấn ra quá vạch đã kẻ. Thế nhưng, không phải đường phố nào cũng làm như vậy. Có nơi dân chửi, chửi quyết liệt. Dù vậy, ông vẫn quyết tâm làm, không bữa nào về nhà trước 12 giờ đêm. Hơn một năm trời rồi cũng làm được. Thành phố Hội An trật tự hơn và người dân thấy ông là họ cười chứ không chửi nữa. Sau đó, ông thực hiện việc cấm xe ôtô vào phố cổ. Khi đặt vấn đề cũng bị phản ứng gay gắt nhưng ông nói cho dân biết, tại sao phải cấm. Nói có lý, có tình, dân nghe ông. Cấm xong ôtô rồi, đến lượt cấm nốt xe máy. Lúc đầu là ban đêm, rồi sau là ban ngày, nửa ngày rồi cả ngày”.
 
Việc làm của ông Bí thư Thành ủy Hội An không to tát gì nhưng ai cũng thừa nhận là ông gần dân, nói với dân và nghe dân nói để thực hiện một chủ trương của thành phố. Người dân Hội An thấy ông đi làm bằng xe đạp, hay ngồi tào lao ngoài quán cà phê với người dân. Hay đến nhà dân để hàn huyên, đàm đạo. Gần dân đối với ông không phải là một sự trình diễn mà đó là một nhu cầu tự thân cho chính ông trong công việc của một người lãnh đạo.
 
Hình ảnh người cán bộ lãnh đạo gần dân như cách của ông Nguyễn Sự ở địa bàn Thừa Thiên Huế, trong công tác, tiếp cận ở cơ sở, tôi cũng thấy đọng lại trong tôi sự cảm phục. Đó là hình ảnh của ông Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Đại Vui khi giải quyết những vấn đề trục trặc trong nuôi tôm của người dân. Ông băn khoăn và lo lắm, ông sẵn sàng đối thoại với người dân nuôi tôm. Ông nghe người nuôi tôm nói và thảo luận lại với người nuôi tôm để tìm hướng giải quyết vừa có lợi cho huyện mà cũng có lợi cho dân. Đó là hình ảnh của ông Bí thư Huyện ủy Phú Vang Phan Văn Quang khi về cơ sở. Phong cách rất gần dân, tính ông rất thích nghe dân nói, dân kiến nghị, rất gần với cán bộ xã để nghe cán bộ cấp dưới nói chuyện làng, chuyện nước, nghe để biết thuận lợi, khó khăn của cơ sở để có hướng giúp đỡ, giải quyết. Gần dân để lắng nghe dân nhận xét về đội ngũ cán bộ cấp dưới của mình. Nhiều lần cánh phóng viên đăng lý làm việc với huyện, ông nói, làm việc chi trên huyện mà làm. Về cơ sở luôn. Muốn hiểu về thủy hải sản thì về đầm phá, ven biển. Tìm hiểu nông thôn thì về với nông dân. Về làng, về xã, về với người dân nhiều chuyện hay hơn nhiều. Đi làm việc với ông ở cơ sở mới ngộ ra những chính sách, hướng đi của huyện trên tinh thần nghị quyết của Đảng nó lý thú hơn nhiều. Cánh phóng viên không còn viết theo lối chung chung, khô khan như trong văn bản mà có thêm thực tiễn phong phú với sức thuyết phục cao.
 
Ai cũng hiểu rằng, tâm thế sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng đối thoại của người cán bộ, đảng viên bất kỳ ở cương vị nào luôn được sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân. Đó không chỉ là những lời nói mang tính lý thuyết mà phải được nhìn nhận và thực hành một cách nghiêm túc. Gần dân là “bắt sóng” được dư luận một cách kịp thời nhất. Tất nhiên muốn nghe được nhiều ý kiến, người cán bộ phải tạo được niềm tin với dân. Đơn giản là khi tin, họ mới nói. Dư luận thì nhiều nhiều, khi tiếp nhận phải biết tôn trọng, sàng lọc, phân tích, đánh giá nhằm hoàn thiện phương pháp lãnh đạo của mình.
 
Chiến Hữu – Văn Chính