Ông Võ Văn Tươi

Ông Võ Văn Tươi, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải: Bằng đủ điều kiện nhiều hơn xe, nhưng công ty vận tải vẫn thiếu

Kể từ ngày 1-7-2010, Luật Giao thông đường bộ sửa đổi quy định tài xế lái xe đầu kéo sơ mi rơ moóc phải có giấy phép lái xe hạng FC thay cho hạng C như trước đây. Trước đây, luật chỉ quy định lái xe có kéo rơmoóc mới cần bằng FC. Lái xe container chỉ cần bằng C. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế các xe container thuộc loại sơ mi rơ moóc, cao hơn các loại xe tải bình thường một bậc, nên cần nâng cao trình độ lái xe để đảm bảo an toàn. Vì vậy, yêu cầu các lái xe được đào tạo thêm kỹ năng về kéo rơ moóc là cần thiết. Hiện, các trường đào tạo lái xe nếu có đào tạo hạng C thì cũng có đào tạo hạng FC. Thực chất, người có bằng hạng C chỉ phải học chuyển tiếp một tháng để có bằng hạng FC.

 

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 234 xe tải kéo rờ moóc. Những xe trên chủ yếu của các doanh nghiệp vận tải hàng lớn và các công ty xây dựng. Theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải đang quản lý 530 tài xế có bằng lái xe FC (một số học thêm nhưng chưa được tuyển dụng). Tuy nhiên, một số công ty, doanh nghiệp trên địa bàn vẫn thiếu tài xế có bằng FC. Như vậy, số tài xế vẫn chưa đủ điều kiện điều khiển xe đầu kéo sơ mi rơ moóc tuỳ theo các công ty, doanh nghiệp tiếp nhận chứ không phải do đào tạo. Theo quy định tại Nghị định 34 về xử phạt vi phạm an toàn giao thông, tài xế điều khiển ô tô rơ-moóc, xe đầu kéo sơ mi rơ-moóc không có giấy phép lái xe hạng FC sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng. Quan điểm của cảnh sát giao thông tỉnh là xử lý nghiêm theo Nghị định 34 của Chính phủ.

Thái Bình (thực hiện)

Ông Ngô Bình Tú

Ông Ngô Bình Tú, Phó cục Trưởng Cục Hải quan Thừa Thiên Huế: Đảm bảo các quy định liên quan xuất nhập khẩu động vật

 

Theo hướng dẫn của Thông tư 25/2010/TT-BNNPTNT, đối với các lô hàng động vật nhập khẩu phải được sản xuất bởi cơ sở sản xuất kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về đảm bảo VSATTP theo quy định của Việt Nam. Mỗi lô hàng nhập khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận đáp ứng các quy định về VSATTP do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Thực hiện kiểm tra đối với nước xuất khẩu cần kiểm tra hệ thống kiểm soát VSATTP và điều kiện đảm bảo VSATTP của các cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký xuất khẩu vào Việt Nam. Tất cả các lô hàng thực phẩm có nguồn gốc động vật nhập khẩu đều phải được kiểm tra hồ sơ đăng ký, kiểm tra ngoại quan, cảm quan.

 

Trong quá trình tiếp nhận hồ sơ để làm thủ tục hải quan đối với loại hàng hóa là động vật hay sản phẩm động vật xuất khẩu, nhập khẩu, cơ quan hải quan căn cứ giấy tờ đã được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho chủ hàng theo quy định; đồng thời căn cứ theo danh mục quy định các sản phẩm thuộc diện cấm xuất, nhập khẩu, vận chuyển để xử lý. Nếu trường hợp hàng hóa là động vật đảm bảo các quy định về VSATTP thì tiến hành thông quan. Trường hợp vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật và áp dụng các biện pháp phù hợp như buộc tái xuất hoặc tiêu hủy. Đối với những lô hàng nhập khẩu đã đăng ký kiểm dịch nhưng không được nhập khẩu do có vi phạm về chính sách quản lý xuất nhập khẩu thì cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục xác nhận, ghi rõ lý do vào giấy đăng ký kiểm dịch để tiến hành xử lý theo đúng quy định.

Hoài Thương

  (thực hiện)